Điều 41 Luật Việc làm 2013 quy định về nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
Song nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia, có nhiều công nhân lao động cả đời không thất nghiệp nên dù đóng bảo hiểm thất nghiệp suốt quá trình lao động nhưng cho đến khi về hưu, họ không được hưởng quyền lợi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp lần nào.
Bà Trần Thị Dung (công nhân Công ty CP Văn hóa Tân Bình) cho biết bà làm việc đã 24 năm và đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ năm 2009 cho đến nay (đã vượt qua 144 tháng). Bà chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ về hưu nhưng cho đến nay vẫn chưa từng được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. "Nếu đến lúc nghỉ hưu mà tôi vẫn chưa hưởng thì khoản tiền tôi đóng góp sẽ như thế nào? Tôi mong rằng trong lần sửa đổi Luật Việc làm này, các nhà soạn thảo luật sẽ nghiên cứu bổ sung các giải pháp hỗ trợ nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà không hưởng trợ cấp lần nào. Ít nhất bằng với khoản tiền 1% chúng tôi đã đóng góp"- bà Dung góp ý
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nêu lên thực tế, quá trình thanh tra, giám sát tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vẫn còn khá nhiều gây ảnh hưởng đến quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp của người lao động,
Vì thế, sửa đổi Luật Việc làm lần này Quốc hội cần có quy định chế tài xử lý mạnh hơn đối với các vi phạm này đồng thời cần có quy định về việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đã thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng doanh nghiệp cố tình trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng của họ.
Theo Luật sư Phan Thị Lan (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng dù BHTN được xây dựng trên quy tắc chia sẻ, đóng hưởng nhưng cũng cần xét đến những lao động đã có quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến lúc nghỉ hưu, đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nên không hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần nào. Trong trường hợp này, họ có tham gia nhưng chưa được hưởng quyền lợi.
Vì vậy, bà Lan cho rằng cần có quy định bổ sung quyền lợi nếu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cả quá trình lao động mà cho đến lúc nghỉ hưu chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp. Khoản trợ cấp này sẽ được tính toán để đảm bảo quy tắc chia sẻ. Có như vậy, người lao động mới không tính đến việc nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bình luận (0)