Theo đó, sẽ có 5 trường hợp xem xét tạm đình chỉ công tác với công chức. Đó là: (1) Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.
(2) Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.
(3) Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
(4) Đã bị xử lý kỷ luật Đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(5) Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền.
Quy định này của Bộ Nội vụ cũng hiện thực hóa chủ trương và chỉ đạo của Đảng. Trước đó, vào tháng 6-2024, Bộ Chính trị ban hành quy định 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chỉ rõ 5 căn cứ để người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết.
Lâu nay, tình trạng cán bộ, công chức - viên chức (CBCC-VC) đùn đẩy, né tránh trách nhiệm được đề cập rất nhiều. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này, kiên quyết xử lý cán bộ cố tình né tránh, trì hoãn công việc. Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, 6 tháng đầu năm có 1.338 CBCC-VC trên cả nước bị kỷ luật (cán bộ 139 người, công chức 432 người và viên chức 767 người). "Vẫn còn tình trạng CBCC-VC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Điều đó dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân" - Bộ Nội vụ đánh giá.
Tình trạng trên thể hiện qua hai mặt, hoặc CBCC-VC sợ sai, sợ trách nhiệm hoặc hống hách, phiền nhiễu dân khi thi hành công vụ. Từ đó làm trì trệ công việc, ảnh hưởng đến việc chung, đi ngược xu thế cải cách hành chính phục vụ nhân dân; làm người dân bất bình vì bị thờ ơ, phiền nhiễu…
Thực hiện chủ trương này một cách thấu đáo sẽ góp phần chấn chỉnh đạo đức công vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu; đồng thời tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho CBCC-VC làm việc, nhất là hoàn thiện các quy định pháp luật để làm cơ sở thực thi, CBCC-VC an tâm xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Bình luận (0)