xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột phá với đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Trần Hữu Hiệp

Đầu tư đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần đặt trong bài toán giao thông tổng thể kết nối nội vùng, liên vùng với TP HCM

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Dự án này được kỳ vọng tạo ra trục dọc "xương sống mới" kết nối nội vùng, liên vùng; thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đến Cà Mau, kết nối các đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong tương lai.

Rút ngắn khoảng cách, chi phí đầu tư thấp

Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua 6 địa phương: Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1, đoạn Vĩnh Long - Cần Thơ dài 15,35 km, có tổng mức đầu tư 12.595 tỉ đồng, triển khai sau năm 2025. Dự án thành phần 2, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109,5 km, có tổng mức đầu tư 29.388 tỉ đồng theo hình thức BOT, nhà nước hỗ trợ bằng tiền 50%, được ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Đột phá với đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 1.

Bốn phương án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Nguồn: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận)

Ưu điểm của đề xuất trên là so với phương án trước đây, phương án này đi thẳng, rút ngắn khoảng cách Cần Thơ - Cà Mau dài 125 km so với 141 km và 150 km so với 180 km theo tuyến Quốc lộ 1 và Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu. Tuyến mới đi qua vùng đất nông nghiệp, thuận tiện giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng thấp với tổng mức đầu tư 41.983 tỉ đồng, so với 46.000 tỉ đồng trước đây.

Tuy nhiên, so với dự tính ban đầu, việc xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ không qua tỉnh Sóc Trăng - địa bàn đang được đề xuất xây dựng cảng nước sâu Trần Đề gắn kết với đầu tư hệ thống đường bộ kết nối - cũng là vấn đề cần được cân nhắc trong bài toán giao thông tổng thể của vùng.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, đột phá hạ tầng giao thông được xác định là một trong những chủ trương, định hướng quan trọng để liên kết vùng, xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cần ưu tiên đầu tư phát triển vùng ĐBSCL như kinh nghiệm của Hà Lan. Giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ cũng đã xác định tập trung đầu phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ĐBSCL.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT xác định tập trung tạo đột phá với 7 tuyến cao tốc, tổng vốn đầu tư hơn 64.500 tỉ đồng. Bộ GTVT cũng đang thực hiện 5 quy hoạch giao thông: đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng hải và hàng không đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng phê duyệt.

Kết nối nội vùng, liên vùng với TP HCM

Chủ trương "đột phá hạ tầng giao thông" đã được xác định vài chục năm trước nhưng vùng ĐBSCL hiện vẫn là "vùng trũng" do vướng các điểm nghẽn thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ theo kiểu "ngắt khúc", thiếu kết nối các phương thức giao thông...

Vì vậy, các vướng mắc này cần được tập trung tháo gỡ. Theo đó, cần tư duy lại hệ thống, bảo đảm yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Cần sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư để phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

Phương án đề xuất mới liên quan chủ trương đầu tư, phóng tuyến, quy mô, nguồn vốn, phân kỳ đầu tư cho đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có nhiều ưu điểm và phù hợp điều kiện khả thi nhờ rút ngắn khoảng cách, giảm chi phí. Song, nó chỉ phát huy hiệu quả tối ưu khi giải quyết hài hòa trong bài toán tổng thể chi phí - lợi ích và tích hợp các quy hoạch khác, không chỉ trong phạm vi quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ mà còn phải kết nối tốt nhất với đường thủy, hàng hải và hàng không.

Việc đầu tư đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần đặt trong bài toán giao thông tổng thể với yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng với TP HCM và kết nối các phương thức giao thông.

Bảo đảm lưu thông hàng hóa

Theo ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, phương án mới của dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang chỉ khoảng 17 km) sẽ mở ra nhiều triển vọng cho địa phương. Dự án sẽ giải quyết được bất cập của đoạn tuyến Quốc lộ 63 vốn hẹp và xuống cấp ở một số nơi nên không bảo đảm lưu thông hàng hóa cho cả vùng U Minh Thượng.

T.Nốt

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Đột phá với đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo