Một trong những nội dung quan trọng của ngày làm việc thứ hai (9-7) giữa hai nhà lãnh đạo, theo đài RT, là tìm cách giải quyết sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng giữa hai nước và tìm cách thiết lập một cơ chế thanh toán không phụ thuộc vào phương Tây.
Ngoài ra, nhiều giải pháp đang được bàn bạc nhằm tìm lối ra cho các quỹ của Nga còn mắc kẹt trong hệ thống tài chính Ấn Độ. Một trong những cách dễ nhất là Moscow tái đầu tư dự trữ đồng rupee của họ vào nền kinh tế Ấn Độ thông qua các thị trường vốn, song hướng đi này vẫn còn nhiều rủi ro.
Những vấn đề khác trong chương trình nghị sự bao gồm bối cảnh chính trị xã hội Á - Âu, tiềm năng đầu tư của Ấn Độ vào Nga, hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS sắp tới tại Nga, tăng cường sản xuất quốc phòng chung...
Chuyến thăm của Thủ tướng Modi được đánh giá là nhằm duy trì quan hệ lâu năm với Nga trong khi thắt chặt quan hệ an ninh với phương Tây.
Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu giảm giá và vũ khí then chốt cho Ấn Độ. Dù vậy, lượng vũ khí Nga mà Ấn Độ nhập khẩu những năm gần đây đã giảm đáng kể, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), nguyên nhân là do Nga phải dồn vũ khí cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong khi đó, lượng dầu thô nhập từ Nga theo tháng của Ấn Độ "tăng 8% trong tháng 5 vừa qua, đạt mức kỷ lục kể từ tháng 7-2023", theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch.
Mua dầu giảm giá của Nga giúp Ấn Độ tiết kiệm được "hàng tỉ USD" nhưng lại khiến thâm hụt thương mại của nước này với Nga tăng lên trên 57 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua.
Bất chấp sức ép của phương Tây, cho đến nay New Delhi vẫn không chỉ trích chiến dịch của Nga ở Ukraine. Hôm 8-7, Mỹ kêu gọi Thủ tướng Modi nêu rõ với Tổng thống Putin rằng "bất cứ giải pháp nào cho xung đột tại Ukraine đều phải tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine".
Bình luận (0)