Mới đây, phản ánh với Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Ngọc Thanh (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM; chuyên kinh doanh các mặt hàng công nghệ đã qua sử dụng), cho hay do anh thường xuyên tham khảo thông tin trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nên phát hiện nhiều chiêu trò của các shop bán hàng lừa đảo.
Ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng
Anh Thanh dẫn chứng laptop Dell 9310 2in1 xoay gập 360 độ, SSD 512 GB, giá chính hãng lên đến chục triệu đồng nhưng trên sàn TMĐT chỉ 3 triệu đồng. Điện thoại iPhone 14 Pro chính hãng có giá khoảng 25 triệu đồng nhưng trên shop online chỉ khoảng 8 - 9 triệu đồng. "Đến 99,9% đây đều là hàng "fake" vì hàng thật không thể có giá rẻ như vậy" - anh Thanh nói.
Năm 2023, cơ quan quản lý nhà nước tại TP HCM đã từng cảnh báo tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT.
Cụ thể, nhiều gian hàng trên các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... giao bán sản phẩm của hàng loạt thương hiệu hàng điện tử, gia dụng nổi tiếng với giá chỉ bằng 20% - 25% giá bán chính hãng.
Cũng trong năm ngoái, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý nhiều tổng kho hàng công nghệ, mỹ phẩm giả quy mô lớn. Tuy nhiên, sau các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý, các tổng kho hàng giả này vẫn tồn tại và các shop vẫn ngang nhiên kinh doanh sản phẩm giả, nhái.
Thử gõ tìm kiếm cụm từ "nước hoa" trên các sàn TMĐT nổi tiếng như Shopee, Lazada, Tiki..., chúng tôi ghi nhận hàng chục ngàn kết quả với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau.
Rất nhiều sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng không khác gì hàng chính hãng của Gucci, Chanel, Lancôme, Chloé... được bán với giá siêu rẻ. Người bán giải thích đây là "hàng hãng", "hàng xách tay"...
Tổng cục QLTT nhận định với tốc độ tăng trưởng TMĐT 25%/năm, nạn kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng... trên các kênh bán hàng online là đáng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.
Quản lý được không?
Ông Lê Thanh Dũng, nhà sáng lập và vận hành một sàn TMĐT, phản ánh hiện nay, nhiều đối tượng kinh doanh hàng dỏm, hàng giả không chỉ lừa khách hàng mà còn lừa cả sàn TMĐT và đơn vị chuyển phát. Không ít nhà bán hàng sử dụng CMND/CCCD giả để đăng ký tài khoản hoặc website bán hàng.
"Các sàn TMĐT và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn song tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, khó lường" - ông Dũng nói.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho biết rất nhiều người mua phải hàng giả, hàng dỏm, hàng kém chất lượng trên kênh mua hàng online nhưng khi khiếu nại thì gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Nhiều người đã khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM với hy vọng được hỗ trợ đòi lại quyền lợi chính đáng nhưng vì không có thông tin cụ thể về người bán, địa chỉ kinh doanh, hóa đơn... nên hội không thể tiếp nhận hồ sơ.
Riêng trường hợp mua phải hàng kém chất lượng của các shop, doanh nghiệp bán hàng online có tên tuổi, trụ sở rõ ràng, người tiêu dùng có thể khiếu nại trực tiếp đến sàn TMĐT để được giải quyết.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7, sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng nếu khách chứng minh được đã mua nhầm hàng gian, hàng kém chất lượng trên sàn đó.
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực phòng chống và xử lý vi phạm trong TMĐT Việt Nam" diễn ra tháng 11-2023, lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh phải coi mạng xã hội, sàn TMĐT là "trận địa" để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, TMĐT và mạng xã hội là không gian xuyên biên giới, do đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để có thể kiểm soát được hoạt động trên các nền tảng này.
Cũng cho rằng cần áp dụng giải pháp công nghệ để phòng chống hàng giả, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết cục đã xây dựng hệ sinh thái số nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT giữa người dân và doanh nghiệp, bảo vệ nhãn hàng, xác thực và định danh chủ thể trong TMĐT.
Tránh tâm lý ham giá rẻ
Trong "Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến", Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết hoạt động rao bán hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận trên mạng xã hội và sàn TMĐT.
Cụ thể, giá quá rẻ, thiếu thông tin sản phẩm, người bán tạo áp lực khiến khách phải mua hàng nhanh chóng do hàng chỉ có số lượng giới hạn hoặc đang có nguy cơ hết hàng, sản phẩm nhận được đánh giá tích cực một cách quá mức, phương thức thanh toán không an toàn, thiếu thông tin liên hệ và địa chỉ người bán...
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác, cân nhắc trước khi thao tác mua hàng trực tuyến; tránh tâm lý ưu tiên, ham mua hàng giá rẻ; kiểm tra thông tin về người bán và sản phẩm; tìm hiểu chính sách bảo hành, hoàn tiền...
Bình luận (0)