Thời gian vừa qua, Cơ quan Điều tra Bộ Công an liên tiếp điều tra khởi tố các vụ án kinh tế, tham nhũng như: Hậu "Pháo", Thuận An… gây xôn xao dư luận. Trong các vụ án này, với thủ đoạn tương đối giống nhau, như doanh nghiệp hối lộ cán bộ có chức vụ chi phối, lũng đoạn, gây sức ép để trúng thầu gây thiệt hại tài sản của nhà nước.
Che giấu sai phạm
Đánh giá về hành vi này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đây không phải là tội phạm mới. Chẳng hạn như vụ án Hậu "Pháo", những hành vi này đã diễn ra từ hàng chục năm nhưng đến nay cơ quan điều tra mới phát hiện, xử lý. "Những vụ án này cũng có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Việc đưa, nhận hối lộ mua chuộc, lợi dụng người có chức vụ và quyền hạn từ mối quan hệ quen biết, thân quen rồi gây lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại ngân sách nhà nước" - ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Hòa, thời gian vừa qua, cơ quan điều tra của Bộ Công an, VKS, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết tâm xử lý nghiêm túc, triệt để, không "vùng cấm", dù đó là người có chức vụ cao hay thấp. Các vụ án được xử lý đều liên quan đến những người có chức, có quyền, cấp cao, ảnh hưởng đến an ninh và chính trị. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng nhà nước đều có cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đầy đủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát trong thời gian dài song không phát hiện sai phạm.
"Đây là một điểm nóng, là cốt lõi và cần phải xem xét lại" - đại biểu Hòa lưu ý. "Thậm chí, thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm lại bao che, như vụ Vạn Thịnh Phát, để từ đó gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nếu họ làm việc một cách nghiêm túc, khách quan thì những vụ việc như thế đã được phát hiện ngay từ đầu, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng và mất đi cán bộ" - ông Hòa nhận định.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng chỉ có lòng tham, lợi ích nhóm, cục bộ và sự ích kỷ, tham ô, vun vén cho lợi ích cá nhân mới sinh ra những trường hợp đó. Nếu cán bộ có trình độ, công tâm, khách quan và đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên hàng đầu thì những sai phạm nghiêm trọng sẽ không xảy ra. "Đây là bài học đắt giá và là kinh nghiệm quý báu. Đối với những cán bộ có chức có quyền mà chưa bị phát hiện hoặc chưa nhúng chàm, đây cũng là bài học. Cần những quy định rõ ràng, cụ thể để cán bộ không dám, không muốn vi phạm" - ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cho biết thời gian qua, Cơ quan Điều tra (Bộ Công an) liên tục khởi tố các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy công tác quản lý về đấu thầu ở nhiều nơi chưa tốt, cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu chưa hiệu quả.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Để ngăn ngừa hành vi này, ông Trương Việt Toàn đề nghị cần xem xét điều chỉnh chặt chẽ về Luật Đấu thầu, các quyết định liên quan đến đấu thầu. Qua đó, cần xóa bỏ các cơ chế xin - cho bởi còn cơ chế xin - cho sẽ còn hối lộ và lũng đoạn. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò dân chủ trong cơ sở địa phương, có quy chế bảo vệ người tố giác, phát hiện sai phạm của người có chức vụ, quyền hạn.
"Trong thời gian làm việc trong tổ chức, sẽ có người phát hiện hành vi sai phạm nhưng họ không dám lên tiếng, tố cáo. Do đó, để kịp thời ngăn chặn sai phạm, cần bảo vệ bí mật thông tin người tố giác, vị trí công tác, tài sản, tính mạng cho họ. Cần giám chặt chẽ, kiểm tra kê khai tài sản những người có chức vụ, quyền hạn thường xuyên" - ông Toàn đề nghị.
Để ngăn ngừa cán bộ lợi dụng quyền hạn tiếp tay cho sai phạm, theo TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Hành chính Việt Nam, trước hết cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm. Quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế. Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng quyền lực; từ đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động công vụ. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát từ bên ngoài đối với các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và các tầng lớp nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ.
Thận trọng hơn trong công tác cán bộ
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng yêu cầu về phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng, xử lý vi phạm "không vùng cấm", "không ngoại lệ" càng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác cần tu dưỡng, rèn luyện, giữ mình, luôn phấn đấu vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng văn hóa công vụ, hình thành lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, chúng ta cần xem xét toàn diện hơn về chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức để yên tâm làm việc.
"Thời gian tới, cần thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn trong công tác cán bộ. Cần thực hiện công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Trong công tác cán bộ cũng rất cần lắng nghe ý kiến của người dân để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều hơn" - ông Phúc nêu rõ.
Bình luận (0)