Cà Mau có hệ thống sông ngòi dày đặc với hơn 8.118 km, được xem là "ngôi nhà chung" của nhiều loài thủy sản. Tuy nhiên, số lượng các loài thủy sản trong tự nhiên ở tỉnh này đã và đang suy giảm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Hà - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cho biết các loài thủy sản ở địa phương vốn rất nhiều. Vài chục năm trước, chỉ cần đặt vài chiếc lú dưới sông là cá, tôm… ăn không hết. Nguồn lợi thủy sản tưởng như vô tận ấy đang ngày càng cạn kiệt, một phần do môi trường sống của chúng bị thu hẹp, một phần do con người khai thác quá mức, nhất là tình trạng dùng xung điện đánh bắt khiến nhiều loài cá, tôm chưa kịp lớn đã bị tận diệt.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị 17 về việc chống khai thác bất hợp pháp, có tính chất hủy diệt. Chỉ thị 17 được các cấp, ngành, địa phương ở Cà Mau triển khai thực hiện sát với thực tiễn từng địa bàn nên mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc đến từng gia đình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan chức năng Cà Mau còn đưa ra xét xử lưu động một số vụ án hình sự về tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản".
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đa số người dân khai thác thủy sản bằng dụng cụ xung điện thường có hoàn cảnh khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng còn nghiên cứu tạo việc làm, mang lại sinh kế cho người dân. "Khi người dân có việc làm, thu nhập ổn định thì họ không còn khai thác tận diệt và sẽ cùng cơ quan chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả" - ông Vũ tin tưởng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết đến nay, gần 2.000 bộ dụng cụ xung điện đã được người dân tự nguyện giao nộp cơ quan chức năng. Việc tuyên truyền, kiểm tra cũng sẽ được các ban, ngành liên quan duy trì thực hiện cho đến khi chấm dứt hoàn toàn tình trạng dùng xung điện khai thác thủy sản.
Bình luận (0)