Giảm thị lực, bệnh về mắt… luôn ám ảnh các bệnh nhân ở mọi lứa tuổi vì nhanh chóng kéo giảm chất lượng cuộc sống. Nguy cơ mất ánh sáng của cuộc đời càng làm nhiều người hoảng loạn và thường dễ chấp nhận những cách điều trị rất tốn kém để nhanh chóng an tâm với thị lực của mình. Tâm lý này vô tình trở thành điểm yếu để các phòng khám trục lợi.
Với dân số gần 100 triệu người, số lượng bệnh nhân về mắt ở Việt Nam rất cao. Theo số liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội, chỉ riêng bệnh về giác mạc đã gây mù cho khoảng 30.000 người. Những người này cần phải phẫu thuật thay giác mạc mới có thể tìm lại ánh sáng. Còn tính thêm các thương tật, bệnh về mắt khác thì còn số tăng lên rất nhiều lần.
Tuy vậy, những bệnh viện chuyên khoa về mắt cả công và tư hiện còn ít, chưa đáp ứng nổi nhu cầu. Riêng các bệnh viện công, chi phí cho khám chữa bệnh tương đối thấp nên luôn trong tình trạng quá tải. Hầu như người bệnh về mắt ở các tỉnh phía Nam đều đổ vào TP HCM chữa trị, phẫu thuật. Tình trạng này gây quá tải là không tránh khỏi nên cũng là cơ hội của các phòng khám, bệnh viện không lương thiện.
Tình trạng các phòng khám chuyên trục lợi bệnh nhân nở rộ ở các đô thị lớn không còn lạ và cũng không riêng gì các bệnh về mắt. Trước đây, cũng Báo Người Lao Động đã có loạt bài viết phản ánh các bệnh viện, phòng khám tư nhân vẽ bệnh - moi tiền của bệnh nhân. Những chứng cứ thuyết phục, rõ ràng được chuyển đến các cơ quan chức năng chuyên môn nhưng đến nay tình hình chưa thật sự được chấn chỉnh.
Chi phí cho y tế hầu như là chi phí bắt buộc nếu không muốn bỏ mặc sức khỏe của bản thân. Khoản này khá lớn và cũng thường đột xuất nên gây khó khăn cho ngân sách gia đình. Nhiều trường hợp chỉ một người ngã bệnh là cả gia đình lâm cảnh khốn khó, con cái mất đường học tập. Không đủ chi phí trang trải cho y tế thì sức khỏe giảm sút và tác động xấu đến chất lượng lao động, thu nhập giảm…
Vòng luẩn quẩn này rất nghiệt ngã và không dễ thoát được nếu chẳng may lâm bệnh, nhất là với số đông người dân mức sống còn thấp như ở nông thôn. Trục lợi trên khoản chi phí này chính là hành động vô lương.
Trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng hệ thống y tế ngày càng hiện đại, chuyên sâu và phủ rộng toàn quốc. Tỉ lệ đã đạt 12 bác sĩ/vạn dân rất đáng mừng và tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng từng năm theo các chương trình đầu tư đào tạo y khoa đang thực hiện.
Tuy vậy, câu chuyện trục lợi bệnh nhân vẫn còn đang xảy ra ở nhiều cấp độ và diễn ra cả trong hệ thống y tế công và tư. Trách nhiệm ngăn chặn thuộc về các cơ quan chức năng của ngành y tế, và xa hơn là những cơ quan pháp luật. Khó cũng phải nhanh chóng làm, bởi để người dân bị trục lợi là thực tế không thể nào chấp nhận.
Bình luận (0)