icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn chặn "vàng hóa", kiểm soát lạm phát

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN - HUY THANH

Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Sáng 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) và làm rõ các nội dung đại biểu (ĐB) nêu trong 2 ngày chất vấn.

Ngăn chặn "vàng hóa", kiểm soát lạm phát- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định với những giải pháp Chính phủ đã thực hiện, hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát. Ảnh: LÂM HIỂN

Bình ổn thị trường vàng

Trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024, đồng thời nêu những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế. Cùng với đó, phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua thúc đẩy đầu tư công đối với dự án hạ tầng, dự án động lực; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Đáng chú ý, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng. Vừa qua, trước biến động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường này, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp như đấu thầu, thanh - kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm và thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Gần đây nhất, từ ngày 3-6, Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, qua đó giá vàng giảm đáng kể.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng; bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, kịp thời. Đặc biệt, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.

Liên quan tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp với cách tiếp cận tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỉ USD nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bố trí vốn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai các dự án cấp bách, khắc phục sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn... bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống người dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) - nhất là DN vừa và nhỏ; hỗ trợ định hình các lĩnh vực kinh tế mới cùng các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. "Ngay trong tháng 6-2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và giảm tiền thuê đất, mặt nước" - Phó Thủ tướng thông tin.

Ngăn chặn "vàng hóa", kiểm soát lạm phát- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu thứ tự ưu tiên của các giải pháp nhằm vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa thúc đẩy phát triển kinh tế

Lo tăng lương dẫn đến lạm phát

Chất vấn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chỉ ra thực tế áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là sau thời điểm triển khai cải cách tiền lương (từ ngày 1-7 sắp tới). ĐB Mai đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã nhận diện được vấn đề và chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt từ sản xuất, cung ứng đến lưu thông, phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, bảo đảm giá các mặt hàng - nhất là hàng hóa thuộc diện Chính phủ quản lý, kiểm soát - được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề kiểm soát lạm phát còn liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ. Chẳng hạn, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý biến động giá vàng với các giải pháp cụ thể nhằm mục đích ổn định giá trị của đồng tiền. Song song đó là các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, qua đó bảo đảm sản xuất và kinh tế phát triển. "Với những giải pháp Chính phủ đã thực hiện nêu trên cùng biện pháp điều hành nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phòng chống lạm phát, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa..., hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá cả các mặt hàng" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

ĐB Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề nghị Phó Thủ tướng nêu thứ tự ưu tiên của các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kép là vừa hỗ trợ người dân, DN vừa thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, ngay sau đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ người dân, DN như gói hỗ trợ lãi suất và tài khóa, hỗ trợ người lao động thất nghiệp, chính sách BHXH... Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này chỉ mang tính thời điểm. Giải pháp căn cơ, theo lãnh đạo Chính phủ, là phải giúp người dân, DN thích ứng được với mọi điều kiện; bảo đảm các ngành nghề đều phát triển để đáp ứng nhu cầu công ăn, việc làm. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi ngành nghề phù hợp, chuyển đổi mô hình kinh tế; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. "Điều quan trọng cần thực hiện ngay là nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng đầu tư, nhất là đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chuyển giao khoa học - công nghệ" - Phó Thủ tướng nói.

Chỉ rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế tạo động lực phát triển song thủ tục hành chính hiện nay vẫn là "cỗ xe ì ạch", ĐB Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết các nội dung ưu tiên về cải cách thế chế trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có nhiều chính sách giảm thủ tục hành chính, nổi bật là kiện toàn cơ quan quản lý, giảm được nhiều tổng cục. "Giảm bao nhiêu cơ quan trung gian là giảm bấy nhiêu thủ tục hành chính" - Phó Thủ tướng giải thích và cho biết Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến, giải quyết thủ tục trực tuyến và đề ra mục tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến trên cấp độ 4. 

Cung cấp đủ điện cho nền kinh tế

ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) nêu thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam - trong đó có dự án công nghệ cao, chip bán dẫn - nhưng lo ngại về khả năng cung ứng điện cũng như việc thiếu cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, năm 2023, Việt Nam có thời điểm thiếu điện cục bộ ở một số địa phương miền Bắc, gây ảnh hưởng đến sản xuất. Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các công trình, dự án điện, đặc biệt là dự án đường dây 500 KV mạch 3 với thời gian thực hiện thần tốc nhằm đạt mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 6-2024. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bảo đảm đa dạng hóa nguồn điện, xây dựng nghị định về mua bán điện trực tiếp và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẽ cung ứng điện đủ, an toàn cho nền kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Hôm nay, 7-6, QH thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đồng thời, nghe Tờ trình về dự án Luật Phòng chống mua bán người.

Để Nghệ An phát triển toàn diện

Trong phiên thảo luận, đa số ĐB nhất trí ban hành Nghị quyết của QH về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm bảo đảm tỉnh này phát triển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu rõ nghị quyết có 2 chính sách tương tự chính sách được QH cho phép và đã phát huy hiệu quả ở địa phương khác như TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ và 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của địa phương. Nếu các chính sách này được cho phép áp dụng tại tỉnh Nghệ An thì chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả tốt.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo