xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thực chất

VĂN DUẨN - HUY THANH

Ghi nhận những kết quả tích cực của nền kinh tế song nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về chất lượng tăng trưởng, tình trạng doanh nghiệp giải thể tăng cao...

Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Băn khoăn chất lượng tăng trưởng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05% và quý I/2024 đạt 5,66% là kết quả rất đáng ghi nhận, ở mức cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, 3 năm đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng trưởng GDP mới đạt trên 5,2% trong khi mục tiêu 5 năm là 6,5%-7%. Như vậy, trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, tăng trưởng bình quân phải đạt trên 8%/năm mới hoàn thành mục tiêu 5 năm.

Về chất lượng tăng trưởng, ông Vũ Hồng Thanh chỉ rõ nhiều vấn đề tồn tại. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động có dấu hiệu giảm sút khi 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu, riêng năm 2023 là 3,65% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng có vấn đề, nhân lực doanh nghiệp (DN) cần thì không có và ngược lại. Đặc biệt, các động lực tăng trưởng cũ "chưa thấy được làm mới", còn động lực mới thì "rất mờ nhạt, khó có đột phá".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là nỗ lực rất lớn song cũng thừa nhận "tình hình rất khó khăn". Điều này thể hiện qua số lượng DN giải thể trong 4 tháng đầu năm 2024 cao hơn số gia nhập thị trường. "Chưa bao giờ có những con số đó! Đi đường thấy cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. DN khó khăn đồng nghĩa người lao động, người dân cũng khó khăn và nợ xấu cũng bắt đầu tăng cao" - ông Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đề nghị Chính phủ lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng Ảnh: VĂN DUẨN

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đề nghị Chính phủ lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng Ảnh: VĂN DUẨN

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, 3 rào cản, thách thức chính của nền kinh tế hiện nay đến từ niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. "Phải tập trung xây dựng thể chế để giải quyết các ách tắc, cải cách hành chính mạnh mẽ, quyết liệt hơn và có giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm" - ông Nguyễn Chí Dũng góp ý.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT dẫn chứng nhà máy ô tô Tesla ở Thượng Hải - Trung Quốc từ khi khởi công đến lúc khánh thành, đi vào hoạt động chỉ mất 11 tháng; một trung tâm thương mại lớn ở nước này từ khi xây dựng đến thời điểm đi vào hoạt động cũng chỉ mất 6 tháng. "Người ta làm như vũ bão, còn chúng ta cái gì cũng xin - cho, không phân cấp, phân quyền, không dám nghĩ, dám làm, cứ đá lên đá xuống thì rất khó. Nếu không cải cách nhanh thì nhà đầu tư sẽ đi chỗ khác" - ông Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.

Xây dựng kịch bản phù hợp

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục thảo luận như kim ngạch xuất khẩu năm 2023 giảm 2,5% so với năm trước đó; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm mạnh từ 7,2% năm 2022 xuống 3,5% năm 2023; tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%. "Cần đánh giá cụ thể hơn tác động của xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước đến tăng trưởng; làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp; quan tâm đến tính bền vững của các động lực tăng trưởng" - Chủ tịch QH đề nghị.

Trong 7 tháng còn lại của năm 2024, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn lưu ý cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có những kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, linh hoạt. Đặc biệt, đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân.

Lo lắng lạm phát tăng, xuất nhập khẩu giảm kéo nguồn thu ngân sách giảm theo, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) kiến nghị Chính phủ có chính sách, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, lưu ý 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Về giải pháp cụ thể, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, miễn giảm thuế, gia hạn và cơ cấu lại nợ cho DN. Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và kết nối với DN trong nước; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - nhất là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Theo ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM), thủ tục đầu tư đã được cắt giảm phần nào nhưng vẫn chưa đủ đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư. Ông đề nghị mở rộng chính sách tài khóa, giảm thuế suất thuế GTGT, kéo dài thời gian thực hiện và mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi.

Sếp nhiều hơn nhân viên?

Ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan trong việc cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng đúng người, đúng việc, rõ quy trình song vẫn lo ngại về chất lượng và sự phù hợp của đội ngũ cán bộ hiện tại. "Sắp xếp vị trí việc làm chính xác là tiền đề cho cải cách tiền lương. Nếu xác định sai vị trí, hệ quả tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng lâu dài" - ĐB Đồng Ngọc Ba lưu ý.

Thực tế, theo ĐB Đồng Ngọc Ba, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có đề án vị trí việc làm nhưng tỉ lệ cán bộ quản lý quá cao. "Có nơi lãnh đạo chiếm 50% bộ máy, có nơi còn không có nhân viên. Nhiều cán bộ, công chức phụ trách việc nặng, quan trọng lo lắng sẽ bị giảm thu nhập khi áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm từ ngày 1-7 tới" - ĐB Ba phản ánh.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng các cơ quan đang cải cách bộ máy "rất ráo riết nhưng lại mang tính hình thức". Cụ thể, việc sắp xếp, tổ chức mới chỉ tính đến việc đưa ra khỏi biên chế những người sắp nghỉ hưu, đau ốm, không có khả năng làm việc; còn người không thực sự cần thiết, không có năng lực, làm việc không hiệu quả thì vẫn chưa thể loại bỏ. Từ đó, ĐBQH TP Hà Nội đề nghị xem lại cách thức xây dựng vị trí việc làm.

ĐB Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nhìn nhận dù Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo việc khắc phục tình trạng sợ sai, né tránh trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức nhưng không có chuyển biến. "Phải chăng trong quá trình đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, chúng ta đạt hiệu quả rất tốt nhưng đi đôi với đó là dẫn đến một số cán bộ sợ trách nhiệm?" - ĐB tỉnh Bình Thuận nêu vấn đề. Từ đó, ông đề xuất phân loại, đánh giá trường hợp nào tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm; trường hợp nào sai sót nhưng không có động cơ, không vụ lợi thì "xử lý hợp tình, hợp lý hơn". 

Có tình trạng đầu cơ, lũng đoạn vàng?

Về biến động của thị trường vàng trong nước, ĐB Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH, đặt vấn đề không phải bởi nhu cầu thực của người dân mà có thể có một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn thị trường; truyền thông, làm rõ để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế và tâm lý của người dân.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu tâm đến chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới, có biện pháp điều tiết linh hoạt để kéo giảm chênh lệch. "Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng cứ sau đấu thầu thì giá vàng lại tăng". Đó là vì giá sàn cao nên DN trúng thầu phải bán giá cao hơn" - ĐB TP Hà Nội thẳng thắn. Ông đề nghị áp dụng "đấu thầu ngược", tức đơn vị nào bán sát giá tham chiếu nhất thì sẽ trúng thầu; về dài hạn phải sửa Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Văn phòng Quốc hội vừa thông báo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Theo đó, từ sáng 4-6 đến sáng 6-6, 4 "tư lệnh" ngành Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kiểm toán; Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo