icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngân hàng cởi mở với start-up

THÁI PHƯƠNG - LÊ TỈNH

Các ngân hàng ngày càng thoáng hơn trong việc cho vay với các doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo số liệu từ Ngân hàng (NH) Nhà nước, đến cuối tháng 6 năm nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng khoảng 9,9%, trong đó dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (start-up).

Ngân hàng hỗ trợ start-up: Cơ hội cho doanh nghiệp trẻ từ

Một trong những start-up đang tận dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ NH là M Village - DN hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, hiện sở hữu chuỗi 47 khách sạn và đang triển khai xây dựng thêm 8 cơ sở mới. 

Ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc M Village, cho biết mỗi khách sạn của công ty cần khoảng 20 tỉ đồng đầu tư để hoàn thiện. Do đó, nhu cầu về vốn, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn, là rất lớn. Ông Ninh chia sẻ rằng mô hình kinh doanh này được ông triển khai từ năm 2021 - giai đoạn ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. 

"Thị trường khó khăn nhưng lại là cơ hội tốt để các DN khởi nghiệp vươn ra, phát triển nhanh với sự hỗ trợ từ nguồn vốn huy động bên ngoài. Thời kỳ đầu, M Village chủ yếu dựa vào vốn từ các quỹ đầu tư nhưng khi quy mô mở rộng, việc liên tục gọi vốn trở nên khó khăn và chi phí vận hành ngày càng cao. 

Do đó, công ty bắt đầu chuyển hướng sang tín dụng NH với lãi suất hợp lý hơn. Hiện tại, M Village đang nhận được sự hỗ trợ tài chính từ NH Phương Đông (OCB) với khoản vay khá lớn, tạo điều kiện triển khai các kế hoạch phát triển trong 5 - 6 năm tới" - ông Ninh kể.

Ngân hàng hỗ trợ start-up: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khởi nghiệp - Ảnh 1.

Việc ngân hàng thương mại cho vay vốn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được kỳ vọng đẩy nhanh thương mại hóa sản phẩm và mở rộng thị trường .Ảnh: LÊ TỈNH

Không riêng M Village, nhiều DN khởi nghiệp khác cũng cho biết việc tiếp cận vốn tín dụng NH hiện nay đã dễ dàng hơn trước. Một phần nhờ lãi suất vay thấp hơn so với việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, phần khác là nhờ các NH trong nước đã bắt đầu thay đổi tư duy - sẵn sàng đồng hành với DN trẻ. 

Ông Nguyễn Hoàng, đồng sáng lập kiêm CEO của Buymed - một start-up trong lĩnh vực thương mại điện tử dược phẩm, cho biết trong suốt 10 năm theo dõi thị trường, đây là thời điểm hiếm hoi mà ông chứng kiến dòng vốn từ NH và nhà đầu tư trong nước chảy mạnh vào lĩnh vực start-up. 

"Buymed hiện cần khoảng 400 - 500 tỉ đồng để phục vụ hoạt động mở rộng. Nếu tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với chi phí hợp lý, công ty sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn" - ông Hoàng chia sẻ.

Cũng theo start-up này, các quỹ đầu tư nước ngoài thường yêu cầu tỉ suất sinh lời lên đến 30%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất NH chỉ khoảng 10%/năm. Vì vậy, dù vẫn tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư, Buymed đang chủ động xây dựng lịch sử tín dụng tốt để có thể tiếp cận vốn vay từ các NH thương mại một cách bền vững.

Sự chuyển biến tích cực trong cách nhìn nhận của NH với lĩnh vực khởi nghiệp còn được thể hiện rõ qua câu chuyện của TS Vi Chí Thành - một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thần kinh học, từng giảng dạy và nghiên cứu nhiều năm tại Anh. Sau khi trở về Việt Nam, ông Thành quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần và hiện là CEO Công ty CP Công nghệ Brain Life Link.

Theo ông Thành, Brain Life Link đang phát triển thiết bị đeo theo dõi sức khỏe tinh thần tích hợp công nghệ thần kinh và AI, giúp phát hiện sớm căng thẳng, kiệt sức, mất tập trung và đưa ra cảnh báo. 

Sản phẩm được thiết kế, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam bởi đội ngũ chuyên gia trình độ cao và có giá chỉ 3 - 5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu quốc tế. "Hiện tại, Brain Life Link đang ưu tiên tiếp cận vốn tín dụng NH để đẩy nhanh sản xuất, rút ngắn lộ trình thương mại hóa từ 5 năm còn 3 năm và hướng đến chuẩn hóa thiết bị y tế" - ông Thành nói.

Thúc đẩy cho vay dựa trên dòng tiền

Thực tế cho thấy các start-up thường gặp khó khăn trong giai đoạn đầu do chưa chứng minh được dòng tiền ổn định hoặc mô hình kinh doanh rõ ràng. Do đó, họ thường phải dựa vào vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, khi DN đã có bước phát triển vững vàng hơn, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng NH bắt đầu tăng lên để tận dụng chi phí vốn thấp và tính ổn định cao hơn.

Về phía các NH, cũng đang có sự thay đổi đáng kể, nhiều nơi đã bắt đầu chuyển hướng dòng vốn tín dụng sang lĩnh vực khởi nghiệp. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB, cho biết NH đang chú trọng đến phân khúc DN nhỏ và vừa, đặc biệt các start-up, vì đây là nhóm có tiềm năng phát triển rất lớn. 

Theo ông Hải, khi xét duyệt tín dụng cho start-up, NH không chỉ dựa vào tài sản bảo đảm mà còn đánh giá mô hình kinh doanh, năng lực điều hành của đội ngũ sáng lập, kế hoạch sử dụng vốn và sự ổn định của dòng tiền. 

"Dù các khoản vay cho start-up thường nhỏ nhưng quy trình thẩm định lại đòi hỏi nhiều công sức. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ đúng cách, các start-up hôm nay hoàn toàn có thể trở thành những DN quy mô lớn hoặc thậm chí là kỳ lân trong tương lai" - ông Hải nói.

Cũng theo CEO của OCB, thời gian qua, NH đã hợp tác với một số quỹ đầu tư như Genesia Ventures để xây dựng các sản phẩm tài chính chuyên biệt cho start-up, bao gồm cho vay vốn lưu động không cần tài sản thế chấp, dựa vào dòng tiền và tài sản hình thành trong tương lai.

Ông Yoshizawa Toshiki, đại diện NH Aozora Nhật Bản, thành viên HĐQT OCB, nhấn mạnh Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là một trụ cột của nền kinh tế; nhấn mạnh vai trò của các NH trong việc tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn xanh, thúc đẩy các hình thức cho vay dựa trên dòng tiền, kế hoạch kinh doanh. Do đó, Aozora và OCB sẽ tiếp tục đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng DN nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết đang tiếp tục chỉ đạo các NH thương mại ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho DN tư nhân - nhất là DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sáng tạo - vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tín dụng theo chuỗi cung ứng… 

Cần khung tín dụng riêng

Để hoạt động cho vay start-up hiệu quả và an toàn, nhiều chuyên gia cho rằng các NH cần xây dựng khung tín dụng riêng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của DN. Ban đầu có thể là những khoản vay nhỏ vài tỉ đồng. Khi DN chứng minh được hiệu quả, có lịch sử tín dụng tốt, NH sẽ mạnh dạn cấp vốn lớn hơn. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự NH cũng cần được đào tạo để hiểu rõ mô hình kinh doanh đặc thù của start-up nhằm quản trị rủi ro tốt hơn và đánh giá đúng tiềm năng của DN.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo