Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng 3-1, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết năm 2023, NHNN liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
"Có thể nói, đến thời điểm này, mức lãi suất cho vay đã xuống rất thấp, kể cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kể cả các lĩnh vực không phải đối tượng ưu tiên. Mặt bằng lãi suất đã giảm thấp nhất trong 20 năm vừa qua"- ông Tú nhấn mạnh.
Theo Phó thống đốc thường trực, nhiều ngân hàng cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Song, tinh thần thời gian tới là vẫn phải tiết kiệm chi phí, tiến hành đồng bộ các giải pháp để giảm lãi suất, giảm thấp hơn nữa nếu điều kiện cho phép. "Năm 2024 không đặt vấn đề lãi suất tăng"- Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định.
Năm 2024, NHNN định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Về sự chênh lệch, độ trễ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết hiện lãi suất huy động bình quân ở mức 3,9%, lãi suất cho vay với các khoản vay mới bình quân 6,7%, đã giảm trên 2,5 % so với cuối năm 2022. Lãi suất các khoản cho vay mới đã thấp hơn rất xa so với trước COVID-19.
Ông Quang lý giải trong cấu trúc cân đối tài sản của ngân hàng thương mại, có tới 80% vốn huy động là ngắn hạn, trong khi đó có trên 50% cho vay là trung, dài hạn. Do đó dẫn đến lãi suất huy động giảm nhanh, lãi suất cho vay giảm chậm hơn.
Hiện tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Từ đó, cảnh báo rủi ro an ninh tài chính.
Dù thời gian qua NHNN điều hành nhiều giải pháp song nợ xấu tăng cao, hiện gần 5%.
Siết chặt tín dụng sân sau
Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, năm 2024, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
NHNN sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó thống đốc cho biết năm 2024 sẽ siết chặt cho vay sân sau, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỉ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%...
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng...
Bình luận (0)