Ngày 25-12, ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa, ban đang đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) có văn bản trả lời kiến nghị phương án dùng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn WB để thực hiện hợp phần 2 của Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Nha Trang (Dự án CCSEP Nha Trang).
Hủy hợp phần 2, tránh nhầm lẫn
Trước đó, WB đã quyết định không tiếp tục tài trợ cho 2 hợp đồng thuộc hợp phần 2 của Dự án CCSEP Nha Trang, gồm kè Bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử (thuộc hợp đồng NT-2.3); kè và đường Nam sông Cái (thuộc hợp đồng NT-2.1). WB đồng thời hủy các hạng mục đầu tư này khỏi Dự án CCSEP Nha Trang. Nguyên nhân là các hạng mục này vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dẫn đến chậm tiến độ.
Trong thư ngày 4-10-2023, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB - cho hay lựa chọn của WB là hủy hoàn toàn hợp phần 2 khỏi tiểu dự án. Điều này để tránh mọi nhầm lẫn về việc liệu các hoạt động của hợp phần 2 có phải là một phần của dự án do WB tài trợ hay không.
Theo WB, đoàn công tác của WB đã tiến hành rà soát, thẩm định và phát hiện ở hợp phần 2 có 76 hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường, trong đó 60 hộ đã bàn giao đất cho tiểu dự án. Trong số 76 hộ bị ảnh hưởng, qua rà soát thẩm định cho thấy phương án Khung chính sách tái định cư (RPF) của dự án và Kế hoạch hành động tái định cư (RAP) của WB khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư không được tuân thủ.
Ông Lê Văn Nhơn (ngụ phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang), người bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án NT-2.3, cho biết gia đình có 21 nhân khẩu, bản thân bị tai nạn lao động nên đời sống rất khó khăn. Từ khi có dự án làm đường Chử Đồng Tử, gia đình không được sửa chữa nhà cửa, luôn sống trong cảnh nơm nớp. Gia đình đã từng nhận quyết định bồi thường, giải tỏa, tái định cư nhưng sau đó không nhận được tiền còn bị thu hồi quyết định giao đất. "Đến nay, chúng tôi nhiều lần đề nghị chính quyền trả lời rốt ráo cho người dân nhưng chưa được xử lý" - ông Nhơn nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Khoa, bị ảnh hưởng từ dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp (phục vụ cho Dự án CCSEP Nha Trang và trọng điểm khác), cho biết người dân luôn lo lắng. Ai cũng mong tiếp tục được tái định cư nhưng theo khung chính sách của WB, nghĩa là người dân có nhà thì phải được bố trí đất tái định cư. Thế nhưng việc WB hủy hợp phần 2 khiến họ lo lắng, không biết đến khi nào mới an cư lạc nghiệp được.
Xin tiếp tục bằng tiền của tỉnh
Trước đó, Báo Người Lao Động đăng bài "Bỗng dưng "mất quyền" tái định cư", phản ánh tình trạng người dân bị tỉnh Khánh Hòa hủy các quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp tái định cư theo yêu cầu của WB với tổng diện tích hơn 4,8 ha. WB cho rằng tỉnh Khánh Hòa vi phạm chính sách RPF và RAP được quy định trong hiệp định vay và hiệp định tài trợ của dự án.
Để tiếp tục thực hiện hợp phần 2 mà WB đã hủy, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã có văn bản gửi đại diện WB. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc hủy hoàn toàn hợp phần 2 ra khỏi Dự án CCSEP Nha Trang sẽ gây bất lợi lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các hạng mục.
Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị WB cho phép tỉnh này được tiếp tục triển khai hợp phần 2 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn tài trợ của WB. UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định ngân sách tỉnh hoàn toàn đủ khả năng cân đối để bố trí vốn thực hiện hợp phần 2.
Dự án CCSEP Nha Trang có tổng vốn đầu tư 72 triệu USD, trong đó 60,6 triệu USD vốn vay từ WB nhằm xây dựng các hệ thống thoát nước, bờ kè, nhà máy xử lý nước thải... Dự án này đang triển khai 5 hợp đồng xây lắp với 464 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật Việt Nam, để có cơ sở bố trí vốn thực hiện hợp phần 2 của tiểu dự án Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cần phải hoàn tất một số thủ tục. Cụ thể là báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để tiếp tục triển khai hợp phần 2. Tiếp đó là lập hồ sơ, thủ tục để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương. Thứ ba là lập hồ sơ, thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CCSEP Nha Trang.
Thời gian hoàn tất các công việc nêu trên có khả năng kéo dài, vượt qua thời điểm kết thúc dự án (ngày 30-6-2024). Điều này, dẫn đến bất lợi lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các hạng mục thuộc hợp phần 2. Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị với WB cho phép khởi động lại các hoạt động thu hồi đất và bồi thường cho các hạng mục thuộc hợp phần 2 sau khi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.
UBND tỉnh Khánh Hòa cam kết thực hiện công tác tái định cư bảo đảm tuân thủ RPF và RAP của tiểu dự án.
Bình luận (0)