"20 năm trước, Công ty TNHH Xây dựng Trung Tiến (viết tắt là Công ty Trung Tiến - PV) liên hệ ba tôi là ông Khổng Văn Khánh thỏa thuận thu hồi đất nông nghiệp và ký hợp đồng hoán đổi đất bồi thường theo quy định. Sau đó, ba tôi đã giao 5.624 m2 đất nông nghiệp cho công ty để nhận 4 lô đất tái định cư (TĐC) (A19 + A20 +A21 + A22) ở đường Phan Bá Vành (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP HCM). Đến nay, 4 lô đất TĐC này bỗng thuộc sở hữu của Công ty Trung Tiến" - chị Khổng Thị Kim Định (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bức xúc phản ánh với Báo Người Lao Động.
Có hợp đồng, có đất cũng như không
Cũng theo chị Định, Công ty Trung Tiến thỏa thuận với ông Khánh tất cả chi phí liên quan đều được thanh toán và không phát sinh. Đến tháng 6-2006, công ty mời ông Khánh lên thực hiện bàn giao nền đất. Lúc này, ông Khánh sức khỏe yếu nên bà Phạm Thanh Thủy (vợ ông Khánh) đại diện đi thay.
"Rồi tháng 6-2012, ba tôi mất. Mẹ tôi nghĩ là 4 lô đất được nhà nước hỗ trợ TĐC và gia đình tôi còn giữ giấy tờ bản chính nên yên tâm" - chị Định trình bày.
Tháng 6-2018, chị Định đề nghị Công ty Trung Tiến làm thủ tục chuyển tên 4 lô đất do ông Khánh đứng tên sang cho mẹ và chị do được thừa kế theo pháp luật nhưng công ty không thực hiện sang tên mà yêu cầu xây nhà rồi sẽ làm thủ tục sau.
Đầu năm 2023, chị Định quyết định bán 1 lô đất A22 để có tiền xây trên 3 nền còn lại, tin rằng sau khi xây xong và hoàn công, Công ty Trung Tiến sẽ sang tên cho hai mẹ con. Tuy nhiên, lô đất này không bán được do thiếu phụ lục hợp đồng hợp thức hóa quyền thừa kế. Chị Định nhiều lần yêu cầu Công ty Trung Tiến làm thủ tục sang tên theo quy định nhưng không thành. Công ty cho rằng đây là đất TĐC và yêu cầu đóng các khoản tiền theo quy định của công ty thì sẽ hỗ trợ việc chuyển nhượng, trong đó có yêu cầu sẽ thu tiền của 13,4 m2 đất dư trên một lô đất (do ngày trước đo dư đất) theo giá thị trường và phải nộp bằng tiền mặt.
"Nhưng Công ty Trung Tiến không cung cấp được bằng chứng cụ thể nào về yêu cầu này. Giờ trên tay mẹ con tôi là các giấy tờ hợp đồng đầy đủ, không có thông tin thiếu hay dư thừa đất, tất cả nội dung trên hợp đồng là trọn vẹn và không có gì thay đổi, chỉ thay đổi là chuyển tên từ người đã mất sang người còn sống theo quyền thừa kế hợp pháp. Giai đoạn từ năm 2015 đến 2016, họ đã âm thầm ra sổ đứng tên công ty mà không có bất kỳ liên hệ nào với gia đình tôi" - chị Định nói.
Phía công ty nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phước Chiêu, Giám đốc Công ty Trung Tiến, cho biết theo phương án đến bù số 113/PA-UB ngày 10-12-2002, bà Nguyễn Thị Mười (có con là ông Khánh, đứng tên nhận nền) nhận được 3 nền đất, đất dư sẽ được nhận bằng tiền. Tuy nhiên, bà Mười buộc công ty phải giao đủ 4 nền thì mới chịu giao đất.
"Lúc ấy công ty chúng tôi đành chịu mất 53,6 m2 để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất TĐC. Do vượt tỉ lệ theo phương án đền bù nên công ty phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thay vì ký hợp đồng hoán đổi nền" - ông Chiêu nói.
4 lô đất TĐC bị khiếu nại
Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 lô đất TĐC, ông Chiêu khẳng định theo quyết định số 6600/QĐ-UB ngày 30-12-2004 của UBND TP HCM, dự án khu nhà ở Công ty Trung Tiến phải xây dựng xong phần thô theo giấy phép xây dựng mới được chuyển nhượng. Theo đó 4 lô đất trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Trung Tiến và được công ty giữ theo quy định. Khi nào ông Khánh xây dựng nhà xong, hoàn thành thủ tục hoàn công, công ty mới được quyền ký chuyển nhượng sang tên cho ông Khánh.
Cũng theo ông Chiêu, ngày 18-4-2023, bà Thủy và chị Định (thừa kế của ông Khánh) có đơn xin xây dựng nhà ở và công ty đã chấp nhận, đồng thời ký kết hợp đồng thi công với Công ty Minh Thịnh Phát (công ty do chị Định và bà Thủy chỉ định), hiện đã khởi công xây dựng. Khi hoàn thành xây dựng sang tên theo thừa kế, công ty sẽ tiến hành lập phụ lục hợp đồng giữa ba bên.
Về việc ký kết phụ lục hợp đồng sang tên thừa kế, Giám đốc Công ty Trung Tiến cho biết ngày 4-8-2023 có nhận được đơn làm thủ tục theo thừa kế của bà Khổng Thị Kim Định và bà Phạm Thị Thủy, công ty đã đồng ý và lập phụ lục hợp đồng sang tên cho mẹ con bà Thủy nhưng bộ phận phụ trách đã liên lạc nhiều lần, đến nay họ vẫn chưa sắp xếp được nên chưa thể làm phụ lục hợp đồng sang tên theo thừa kế.
"Còn về thu tiền của 13,4 m2 (lô A22) đất dư trên một lô đất, do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở nền A22 không có quy định được phép chuyển nhượng. Do đó, nếu có nhu cầu chuyển nhượng thì phải làm phụ lục hợp đồng cho phép chuyển nhượng và công ty sẽ thu lại phần diện tích hoán đổi 13,4 m2/nền theo giá bán thực tế" - ông Chiêu thông tin.
Bình luận (0)