xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn rác trôi ra biển

QUỐC ANH - NGỌC QUÝ - KHẮC HIẾU

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường trong thành phố, nếu không được ngăn chặn hữu hiệu, hàng tấn rác thải mỗi ngày từ nội đô theo kênh rạch trôi ra biển gây ô nhiễm đại dương

Tại cuộc tiếp xúc các đại biểu HĐND TP HCM trước kỳ họp thứ 17, cử tri huyện Củ Chi phản ánh thành phố có khoảng 2.000 km kênh rạch với chức năng phục vụ giao thông đường thủy, tiêu thoát nước. Thế nhưng, phần lớn chúng đang thành kênh rạch "chết".

Hàng chục tấn rác thải xuống kênh rạch mỗi ngày

Theo cử tri huyện Củ Chi, những kênh rạch này bị "bức tử" bởi nhiều nguyên nhân. Theo đó, một số cơ sở sản xuất và người dân thiếu ý thức, xả rác xuống kênh rạch mỗi ngày khiến nhiều tuyến bị ô nhiễm; tình trạng cơi nới, lấn chiếm kênh rạch làm công trình, nhà ở; lục bình, cỏ dại phát triển đã ngăn cản dòng chảy, làm gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Tình trạng nêu trên diễn ra tại các kênh An Hạ, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè... Trong đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè "nổi tiếng" là nhiều rác thải, nhất là khu vực thượng nguồn (quận Tân Bình). Thậm chí, có giai đoạn gặp vướng mắc về quy trình thủ tục, rác không được vớt thường xuyên trong nhiều ngày, ùn ứ cả trăm tấn. Sau đó, đơn vị phụ trách vớt rác phải rất vất vả xử lý.

Đại diện đơn vị vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết trung bình mỗi ngày, lượng rác trên kênh khoảng 8 tấn. Mùa mưa, rác theo con nước chảy xuống hệ thống cống và tràn vào kênh, cộng với lục bình... lên tới 10-14 tấn/ngày. Rác có đủ loại, nhiều nhất là rác từ các hộ gia đình ven kênh, thậm chí cả bàn, ghế sofa.

Việc vớt rác phải thực hiện thường xuyên và liên tục. Nếu ngừng khoảng 10 ngày thì rác ùn ứ cả trăm tấn. Lượng rác này theo con nước ra sông, biển gây ô nhiễm.

Nhiều tổ chức đã tình nguyện trực tiếp tham gia dọn dẹp, xử lý rác thải và lan tỏa hành động tích cực này. Tuy vậy, kết quả cũng chưa mang tính bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là trên các sông ngòi, kênh rạch nội thành TP HCM, vẫn tiếp diễn.

Ngăn chặn từ gốc

Nhân viên Công ty Môi trường Đô thị TP HCM vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị NghèẢnh: Quốc Anh

Nhân viên Công ty Môi trường Đô thị TP HCM vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị NghèẢnh: Quốc Anh

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, thành phố hiện tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên đường phố, kênh rạch và nơi công cộng trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai và xử lý các trường hợp không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi xả rác ra đường phố, kênh rạch và khu vực công cộng.

Để giải quyết vấn đề rác thải, ô nhiễm ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng và hệ thống kênh rạch TP HCM nói chung, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần cơ chế, chính sách thông thoáng, kịp thời để vớt rác trên kênh rạch. Tiếp theo, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao ý thức của người dân, không được vứt rác bừa bãi xuống kênh rạch, nơi công cộng. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi.

Sở TN-MT cho biết sẽ thường xuyên tuyên truyền về cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường phố và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường". Bên cạnh đó, TP HCM duy trì việc đối thoại, tuyên truyền và vận động nhân dân, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương, cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tăng cường truyền thông, giáo dục trong giới trẻ về ý thức bảo vệ môi trường.

Tính đến tháng 6-2024, TP HCM đã vận động 100% hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. Ngoài ra, thành phố còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện việc cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Đến tháng 8-2024, 219.638/291.618 đơn vị đã ký cam kết, đạt tỉ lệ 95,54%.

Phao chắn được lắp đặt trên kênh thoát nước ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức, giúp việc thu gom rác của nhóm “Biệt đội Sài Gòn Xanh” dễ dàng hơn   Ảnh: NGỌC QUÝ

Phao chắn được lắp đặt trên kênh thoát nước ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức, giúp việc thu gom rác của nhóm “Biệt đội Sài Gòn Xanh” dễ dàng hơn Ảnh: NGỌC QUÝ

Giúp ấp đảo xanh hơn

Rác thải sinh hoạt tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ, TP HCM thường xuyên được ghe máy chở đi nơi khác xử lý. Tuy vậy, nơi đây còn phải xử lý rác tồn đọng, ngăn chúng trôi xuống biển.

Theo khảo sát về hiện trạng quản lý rác thải sinh hoạt tại Thiềng Liềng của nhóm nghiên cứu do Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐHQG TP HCM dẫn đầu, rác thải sinh hoạt tại ấp đảo có khoảng 262 hộ dân này chiếm 87% tổng lượng rác phát sinh. Ông Nguyễn Văn Yến, Trưởng ấp Thiềng Liềng, cho biết nhiều hộ dân vứt rác trực tiếp ra môi trường hoặc tự đốt, ảnh hưởng đến dòng nước. Chính quyền địa phương đã vận động nhiều lần nhưng các hộ này cho rằng rác ít, ở xa, quen với "tập quán" nên muốn tự xử lý mà không phải đóng tiền.

Sau khi khảo sát ở Thiềng Liềng, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, gợi ý cá nhân ông và công ty mong muốn đóng góp cho ấp đảo một chương trình xanh, vận động mọi người tham gia phân loại và xử lý rác thải đúng cách. Saigontourist dự tính đặt một máy xử lý rác hữu cơ ngay tại địa điểm tập kết. Việc này vừa giúp giảm thiểu lượng rác vận chuyển đến nơi khác vừa hỗ trợ xử lý rác hữu cơ thành mùn dinh dưỡng cho người dân địa phương sử dụng làm phân bón canh tác.

"Chúng tôi chọn Thiềng Liềng vì nơi đây là một trong những nơi có thể phát triển du lịch, có nhiều khách trong và ngoài nước tìm đến. Nếu ấp đảo xanh hơn, du khách cũng sẽ biết nhiều hơn về nơi này. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn lộ trình phân loại rác được xúc tiến, đẩy mạnh và Thiềng Liềng hiện diện như một trong những địa điểm tiên phong thực hiện tích cực" - ông Hòa nhấn mạnh. 

Sẽ chắn rác cho 100 tuyến kênh

Sau hơn 1 năm hoạt động, "Biệt đội Sài Gòn Xanh", do một nhóm bạn trẻ thiện nguyện thành lập, đã vớt được 2.400 tấn rác từ hơn 150 dòng kênh rạch; lắp đặt 10 dây phao chắn rác để ngăn chúng trôi ra biển.

Anh Nguyễn Lương Ngọc, trưởng nhóm, cho biết trung bình mỗi lần dọn kênh rạch cần 50-100 người. Chi phí lắp đặt phao chắn rác rất tốn kém, dao động từ 3 đến 30 triệu đồng, tùy độ rộng và sâu của kênh rạch. Đa số chi phí lắp đặt đều từ quỹ của nhóm và tiền đóng góp của các nhà hảo tâm. Hơn một năm qua, nhóm đã kêu gọi được hơn 1 tỉ đồng tiền đóng góp cho việc thu gom rác, đặt phao chắn.

"Biệt đội Sài Gòn Xanh" cho biết nhóm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền một số địa phương lắp đặt phao chắn rác cho trên 100 tuyến kênh, rạch tại TP HCM. Sau khi lắp đặt phao, nhóm vẫn thường xuyên ra quân thu dọn rác mỗi tháng một lần.

"Một nhóm hay 1.000 nhóm dọn dẹp cũng không hết rác. Chỉ khi nào tất cả người dân đều ý thức không xả rác thì mới hết rác trên kênh rạch" - anh Ngọc mong mỏi.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo