Sau một năm triển khai, Đề án Tổ chức tài chính vi mô CEP của tổ chức Công đoàn phòng, chống nạn tín dụng đen trong công nhân lao động (CNLĐ) do Tổ chức tài chính vi mô CEP (CEP) thực hiện đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Không chỉ tăng khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ CEP, đề án còn mang lại nhiều ý nghĩa cho CNLĐ thông qua chương trình phát triển cộng đồng, nhất là việc tiếp sức CN khó khăn thoát khỏi tín dụng đen.
Giúp người lao động tìm thấy hy vọng
Chị Trần Thị Trang, CN Công ty TNHH Hài Mỹ (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) là một trong số đó. Chị Trang và chồng chia tay ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chồng chị nhận nuôi 2 con nhỏ còn con gái lớn theo chị. Thế nhưng, vừa rời khỏi mẹ, các con chị cũng mất đi cơ hội đến trường.
Vậy là chị đón cả 2 con nhỏ về sống với mình. Một mình làm lụng nuôi con nhưng dịch bệnh đến khiến công việc và thu nhập của chị bị ảnh hưởng, phải vay nóng 15 triệu đồng. Chị không ngờ khoản nợ ấy khiến bản thân rơi vào khó khăn cùng cực. Lãi suất quá cao (2,3 triệu đồng/tháng) trong khi phải gồng gánh mọi khoản chi phí sinh hoạt trong nhà khiến chị phải làm ngày làm đêm đến kiệt sức.
Sau hơn 1 năm cố gắng, khoản nợ gốc vẫn còn một nửa chưa thanh toán khiến chị cảm thấy bất lực. Hy vọng chỉ đến khi chị Trang được CEP hỗ trợ trả dứt nợ, đồng thời giúp thêm 4 triệu đồng để sửa sang lại khu bếp. Niềm vui nhân đôi khi con gái chị được CEP trao tặng một suất học bổng trị giá 2,5 triệu đồng.
Cũng nhờ sự tiếp sức của CEP mà chị Sơn Thị Pha Ly Tha (dân tộc Khmer, ngụ tại quận 8, TP HCM) may mắn thoát khỏi tín dụng đen. Chỉ trong vài năm, gia đình chị đã trải qua nhiều biến cố, mẹ chị bệnh nặng phải nằm viện dài ngày còn chồng bị tai nạn xe, mất sức lao động, cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc. Quá túng thiếu, chị nhắm mắt vay nóng với mức lãi suất 3%/ngày (hơn 1.000%/năm) để có tiền chạy chữa cho mẹ và chồng.
Sau 1 năm, số nợ gốc lên tới 40 triệu đồng với mức lãi 1,2 triệu đồng/ngày. Để trả nợ, chị phải cật lực làm việc, ban ngày làm nhân viên bán hàng, tối đi giúp việc nhà, chạy xe ôm. Tiền làm ra không đủ trả lãi khiến chị rơi vào tuyệt vọng. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, giữa tháng 8-2023, CEP đã quyết định hỗ trợ chị trả phần lớn khoản nợ (35 triệu đồng), còn lại, chị xin chủ nợ cho trả gốc (không lãi). Chị tâm sự: "Nhờ CEP mà tôi mới tìm thấy hy vọng".
Đây là 2 trong số hàng chục ngàn lượt đoàn viên - lao động được CEP hỗ trợ thông qua các hoạt động phát triển cộng đồng như bếp ấm CEP, mái nhà CEP, học bổng CEP… Tính đến tháng 11-2023, chương trình "CEP chia sẻ yêu thương" đã giúp 36.124 lượt khách hàng khó khăn với kinh phí 10 tỉ đồng.
Tăng khả năng tiếp cận vốn
Chia sẻ về đề án, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc CEP, cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, thu hẹp sản xuất khiến đời sống người lao động (NLĐ) thêm khó khăn. Tình cảnh ấy khiến không ít CN trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Nhiều NLĐ vay qua các app trực tuyến với lãi suất rất cao, thậm chí tới 800%/năm.
Do đó, từ tháng 6-2022, CEP đã khảo sát ý kiến của NLĐ và đội ngũ cán bộ Công đoàn để xây dựng Đề án Tổ chức tài chính vi mô CEP của tổ chức Công đoàn phòng, chống nạn tín dụng đen trong CNLĐ. Tháng 2-2023, được sự thống nhất và chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, CEP đã tổ chức Hội thảo tại TP HCM để triển khai đề án.
Đến tháng 7-2023, CEP đã ký kết phối hợp với LĐLĐ các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện đề án. Nội dung ký kết trọng tâm là 3 nhóm giải pháp CEP cùng LĐLĐ các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2028 gồm: tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ CEP cho NLĐ; nâng cao kiến thức tài chính, giúp NLĐ phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của NLĐ.
Ngay sau hội thảo, CEP đã khởi động hàng loạt hoạt động như tổ chức 21 đợt tư vấn, giới thiệu sản phẩm - dịch vụ CEP và tuyên truyền tác hại tín dụng đen cho 24.000 CN; tổ chức Hội thi cộng tác viên CEP tiêu biểu trong phòng chống tín dụng đen với sự tham gia của 2.000 cán bộ Công đoàn cơ sở; linh hoạt triển khai gói sản phẩm tín dụng 300 tỉ đồng dành cho CN tại các KCX-KCN TP HCM với lãi suất ưu đãi 0,4%/tháng (theo dư nợ ban đầu)...
Đặc biệt, chương trình "CEP chia sẻ yêu thương - cùng CN và NLĐ phòng chống tín dụng đen" đã được tổ chức thành công tại 10 tỉnh, thành phố với các hoạt động: hỗ trợ vốn, nâng cao kiến thức tài chính, các hoạt động phát triển cộng đồng. Kết quả, đến ngày 30-11-2023, có 204.087 lượt CN, hộ gia đình CN được vay vốn CEP với số tiền 6.018 tỉ đồng.
Số khách hàng CN tham gia tiết kiệm đoàn viên tăng 23.736 người và số Công đoàn cơ sở phối hợp với CEP tăng 591 đơn vị. Mục tiêu của đề án đến năm 2028, CEP sẽ cung cấp cho hơn 1,41 triệu lượt CN, hộ gia đình CN vay vốn với số tiền gần 50.059 tỉ đồng.
Là một trong những đơn vị tham gia ký kết với CEP, ông Đặng Trung Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nhìn nhận hoạt động hiệu quả của CEP đã tiếp sức rất nhiều CN trên địa bàn tỉnh gần 17 năm qua.
"Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ định hướng các cấp Công đoàn trực thuộc tiếp tục phối hợp, mở rộng hợp tác với 2 chi nhánh CEP để triển khai sâu rộng các sản phẩm, dịch vụ của CEP đến CN. LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ cùng CEP tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của tín dụng đen, giúp CN phòng tránh hiệu quả" - ông Dũng nhấn mạnh.
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Chăm lo hiệu quả đoàn viên - lao động
Từ khi thành lập, CEP với các hoạt động hiệu quả đã và đang góp phần phòng, chống tín dụng đen trong CN, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo đoàn viên - lao động. Đại hội XII Công đoàn TP HCM đã xác định chương trình "Công đoàn thành phố đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống tín dụng đen trong CNLĐ" là một trong 3 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2023-2028. Do vậy, trong thời gian tới, CEP cần đẩy mạnh các hoạt động trợ vốn cho khách hàng là CN, đồng thời các cấp Công đoàn thành phố cần phối hợp chặt chẽ với CEP tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen, giúp NLĐ nhận biết, cảnh giác, tố giác.
Bình luận (0)