Ngày Tết là khoảng thời gian quý giá để cha mẹ, con cái gần gũi tâm sự, tạo sự kết nối giữa các thế hệ. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi trò chuyện với Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ) về chữ hiếu của con cái với cha mẹ.
*Thưa Thượng tọa, chữ hiếu xưa và nay được hiểu như thế nào để phù hợp với thực tiễn?
-Thượng tọa Thích Nhật Từ: Chữ hiếu trong Đạo Phật được khích lệ qua các phương diện sau:
Thứ nhất là nhận thức tầm quan trọng của cha mẹ trong đời. Cho đến thời điểm hiện tại, Đức Phật có lẽ là nhà xã hội học tôn giáo đầu tiên đề cao và khuyên con cháu xem cha mẹ như là 2 vị Phật trong nhà, ngang với vai trò của chính ngài, điều này không có tôn giáo nào dạy như thế.
Thứ hai, Đức Phật kêu gọi con thảo cháu hiền xem cha mẹ như thần Brahma (đấng chúa trời trong Ấn Độ Giáo).
Thứ ba, Đức Phật kêu gọi hãy tôn thờ cha mẹ như thần lửa trong nhà, là hóa thân của thượng đế. Như vậy, hai tôn giáo mạnh nhất ở thời Đức Phật là Bà La Môn và Phật Giáo thì Đức Phật đánh đồng cha mẹ ngang tầm quan trọng với chúa trời và vai trò của Đức Phật để kêu gọi những người con không nên quên công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, đây là tầm nhận thức rất quan trọng.
Đức Phật xem biết ơn để dẫn đến đền ơn là ứng xử văn hóa và ứng xử đạo đức, cho nên Đức Phật làm gương trong lãnh vực này.
Đức Phật đã lập ra học thuyết 4 trọng ơn: ơn cha mẹ đã khai sinh cho chúng ta sự sống với tư cách làm người; ơn tổ quốc đã giữ độc lập chủ quyền; ơn thầy cô truyền trao tri thức và ơn đồng loại để cuộc sống này có giá trị.
Đức Phật đề cao duy trì văn hóa hiếu thảo từ thế hệ này sang thế hệ khác, mình hiếu kính với cha mẹ thì con em sẽ hiếu kính với mình. Đó là một sự tiếp nối, di sản văn hóa tinh thần rất quan trọng.
Về phương diện thực tiễn, hiếu thảo với người còn sống, đạo Phật kêu gọi trích ra tiền lương 25% tiêu dùng hằng ngày, 25% tái đầu tư, 25% hiếu kính với cha mẹ và làm công ích xã hội, 25% tiết kiệm.
Như vậy, báo hiếu phải bắt đầu bằng vật chất, mặc dù có nhiều bậc cha mẹ rất giàu nhưng mình phải có nghĩa vụ. Ngoài ra, báo hiếu về đạo đức là mình phải là người thành công, hạnh phúc để cha mẹ cảm thấy tự hào khi nhắc đến mình thậm chí khoe với cộng đồng, xóm làng.
Báo hiếu về mặt tinh thần thể hiện ở chỗ con cái phải tôn kính, vâng lời cha mẹ; nếu cha mẹ có thói quen tiêu cực ở tuổi xế chiều thì khéo léo dẫn dắt để cha mẹ không tự ái.
Đơn giản hơn, ngày Tết là ngày sum họp, đoàn viên, dù bận rộn cỡ nào con cái cũng nên quay về để gần gũi cha mẹ. Việc này tạo ra cơ hội ôn lại kỷ niệm thiêng liêng, cha mẹ hung đúc tinh thần, truyền trao kinh nghiệm để làm cho gia đình ngày càng thăng hoa. Đoàn viên sum họp trước, trong và sau Tết rất quan trọng.
Nếu ở phương xa thì cần gọi điện thoại video call cho cha mẹ, sẽ làm cho chúng ta bớt nhớ nhung nhà, là nguồn an ủi rất lớn. Đồng thời, nếu ở xa có thể gửi tiền, vật chất giúp đỡ cha mẹ.
*Đối với những gia đình có khoảng cách với cha mẹ, con cái phải làm gì thưa Thượng tọa?
Đối với những người con có khoảng cách tâm lý với cha mẹ thì trong đạo Phật có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính là do sự chấp ngã. Ngày nay, con cái muốn độc lập cuộc sống nên làm cho cha mẹ tủi thân. Việc cha mẹ quan tâm quá mức đến con cái thì đó là phản ứng bình thường nên con cái cũng nên nghĩ cha mẹ quan tâm đến mình.
Cha mẹ nào dù con có bất hiếu, ngỗ nghịch nhưng cha mẹ vẫn muốn con cái gọi điện hỏi thăm cho nên các con cũng đừng ngại ngùng thăm hỏi cha mẹ trước. Mặc khác, muốn vượt qua được rào cản sự khác biệt thì phải vượt qua chính mình, hãy thông cảm vì thông cảm là bước đầu của hiểu biết và cảm thông.
Từ đó, chuyện đúng hay sai không còn quan trọng nữa mà cả hai đều hạnh phúc. Do đó, phải nỗ lực tốt nhất để tháo gỡ những nút thắc trong quá trình sống và ứng xử với nhau.
Trong 16 kỹ năng thở thiền, Đức Phật có dạy 3 kỹ năng là cảm nhận vô thường, cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cha mẹ có thể ra đi trước chúng ta. Cho nên mọi thứ vô thường nên chấp nhất làm gì.
Thứ hai, làm chủ hơi thở ra vào nên chúng ta phải cởi trói tâm. Chỉ có sự bao dung, độ lượng mới tháo gỡ dễ dàng vướng mắc. Chứ đứng ở góc độ đúng sai thì không bao giờ gắn kết nhau được. Lúc đó cởi trói tâm sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc.
Cuối cùng là phải buông bỏ. Những nỗi khổ niềm đau ở quá khứ cần khép lại, cuộc sống diễn ra ở hiện tại, hạnh phúc là ở bây giờ và tại đây. Cho nên nhận thức vô thường là cách tốt nhất để sống tích cực ngay khi chúng ta còn khỏe, làm tốt nhất những gì có thể đặc biệt là với cha mẹ, cho người thân thương.
*Đối với những người con khi cha mẹ qua đời, Thượng tọa có lời khuyên nào để họ sớm vượt qua?
Cái chết là điểm cuối cùng của tiến trình sống, nếu chẳng may cha mẹ qua đời thì nỗi khổ niềm đau sẽ rất sâu.
Nếu cha mẹ qua đời, Đức Phật kêu gọi con cái cần duy trì, bảo tồn và truyền trao cho thế hệ tương lai những di sản văn hóa gia đình.
Mặc dù, theo đạo Phật tất cả người chết phải tái sinh nhưng việc thăm viếng, tảo mộ sẽ là một cách gắn kết, làm cho chúng ta cảm giác cha mẹ vẫn còn sống mãi để giá trị tích cực được phát huy. Cho nên, đến mùa Tết cần ra mộ, nơi thờ cốt thăm viếng cha mẹ.
Lời khuyên của đạo Phật chúng ta phải thừa nhận đó là sự thật, quay về cuộc sống làm những việc tốt để hồi hướng cho cha mẹ.
Nếu cha mẹ thích làm từ thiện thì mình có thể đi đến các cô nhi viện, trung tâm dưỡng lão giúp đỡ những người kém may mắn.
Khi làm việc thiện đó, chúng ta cũng cần tuyên bố trước những người đón nhận tặng phẩm và mong họ dành năng lượng tốt lành cho người đã khuất. Do vậy, cần làm cho di sản tinh thần của cha mẹ còn mãi trong cuộc sống; phải sớm vượt qua và tưởng nhớ cha mẹ bằng việc làm có ích.
Bình luận (0)