Chủ trương phát triển NƠXH đã có từ vài thập niên nhưng sòng phẳng nhìn nhận chủ trương này đã quá yếu thế so với việc phát triển nhà ở thương mại - vốn hấp dẫn và làm tăng lợi nhuận nhanh chóng của nhà đầu tư. Thực tế này đã dẫn đến việc không ít người lao động ở đô thị không mua được nhà ở và chi phí thuê nhà đã ảnh hưởng lớn đến chi phí chung để phát triển gia đình như tái đầu tư, nâng cao trình độ, tay nghề và chăm lo cho con cái học hành…
Những bất cập này đã được nhìn nhận và chỉ trong thời gian ngắn qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi, kể cả pháp lý để nhanh chóng giải bài toán cấp bách về NƠXH. Trước đề xuất giảm lãi suất cho vay, các chính sách khác như tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đơn giản thủ tục cho người thụ hưởng, giám sát chặt việc xây dựng, phân phối và minh bạch chi phí… đã được ban hành.
Đến bây giờ đủ để nhìn nhận những ưu đãi cơ bản nhất để phát triển NƠXH đã có. Thế nhưng trong bối cảnh này, một vấn đề quan trọng khác cần phải được đặt ra là giải quyết các tồn tại lưu cữu: minh bạch về pháp lý đối với các nhà đầu tư và minh bạch xét duyệt nhu cầu đối với cơ quan quản lý. Nói một cách khác, những ưu đãi của Chính phủ phải được sử dụng cho NƠXH; NƠXH phải đến được đúng người có nhu cầu. Đây là vấn đề cốt lõi để tạo sự công bằng trong thụ hưởng chính sách và phát huy được tác dụng của chính sách đối với xã hội.
NƠXH chỉ là tên gọi, bản chất của nó là nhà ở được hỗ trợ dành cho người có thu nhập thấp. Đối tượng này chiếm số đông trong xã hội, nhất là ở các đô thị đang phát triển công nghiệp. Theo thống kê năm 2022, chỉ riêng tại TP HCM có khoảng 3 triệu người lao động nhập cư mà hầu hết chưa có nhà. Ngoài ra, với cư dân thành phố cũng có hơn 500.000 hộ chưa có nhà (bao gồm 20.000 công chức, viên chức…). Con số trên biểu đạt nhu cầu thực tế cực kỳ lớn cần phải giải quyết trong tương lai gần.
Cũng như nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển khác, NƠXH chưa bao giờ chỉ dừng lại cho mục tiêu xã hội. NƠXH là bài toán kinh tế lớn để tạo nền tảng căn bản, ổn định cho lực lượng lao động chính yếu ở các đô thị. Có được nơi an cư thì lực lượng lao động này mới dành dụm đủ chi phí phát triển nghề nghiệp, vun vén gia đình và tạo dựng thế hệ lao động kế tiếp có chất lượng cao cho cả nền kinh tế. Đây là bài toán đầu tư kinh tế vĩ mô mà lợi nhuận của nó sẽ trải rộng ra tất cả các mặt kinh tế - xã hội và kéo dài đến thế hệ kế tiếp. Tư tưởng để gầy dựng, phát triển NƠXH phải gạt bỏ hết tâm lý chính sách "hỗ trợ" mà cần xác định là bài toán đầu tư, để mang lại hiệu quả xã hội tốt nhất, giá trị kinh tế cao nhất, được người dân thụ hưởng dễ dàng nhất.
Bình luận (0)