Trong khi đó, người lao động (NLĐ) đi tìm việc làm mới cũng không ít, nhiều người vẫn loay hoay nộp hồ sơ, chờ tuyển dụng và chưa tìm được việc làm.
Diễn biến này phản ánh rõ thực trạng thị trường lao động, nhất là từ sau khi đại dịch COVID-19 tràn qua. Hàng vạn lao động phải trở về quê nhà tránh dịch. Sau thời gian hết dịch, họ đã quen với cuộc sống quê nhà, tìm được việc làm có thể thu nhập không cao bằng làm công nhân (CN) ở miền Nam nhưng vẫn đủ sống vì các khoản chi phí ở quê nhà không nhiều. Hơn nữa, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nơi NLĐ hồi hương, các nhà máy cũng lập ra nhiều, các khu công nghiệp tập trung cũng không xa nơi NLĐ sinh sống là mấy, thuận tiện hơn rất nhiều so với làm CN ở xa xứ.
Do đó, chỉ những NLĐ đã có gia đình, công việc gắn bó với phương Nam và thu nhập khá cao, ổn định mới trở lại miền Nam làm việc sau đại dịch COVID-19.
Tại TP HCM, một doanh nghiệp (DN) tuyển CN may với thu nhập từ 9 - 11 triệu đồng/tháng, song không nhận được nhiều hồ sơ. Theo nhiều NLĐ, làm việc ở công ty này, dù thu nhập khá, song phải trả tiền thuê nhà ở nội thành đã 2 triệu đồng, cộng thêm các chi phí khác về sinh hoạt, con cái học hành đều cao hơn ở tỉnh, nên NLĐ phải cân nhắc, tính toán cả việc làm, thu nhập, đời sống sao cho ổn thỏa và phù hợp nhất.
Ngay tại Bình Dương - một trong những tỉnh phát triển công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, sau Tết Nguyên đán những năm trước thường có dòng người cầm hồ sơ đi xin việc, chờ đợi DN tuyển dụng thì nay cảnh này hầu như không còn. Trong khi không ít DN đã có đơn hàng trở lại, mở rộng sản xuất, hoặc mới thành lập đang cần tuyển số lượng lớn lao động.
Trong khi đó vẫn có hàng vạn NLĐ ở các tỉnh, thành trên cả nước bị mất việc do DN làm ăn thất bại phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa. Họ cũng bươn bả tìm đủ cách trở lại thị trường lao động song vẫn không tìm được chỗ làm phù hợp. Điều đó chứng tỏ cung - cầu lao động chưa gặp nhau, thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả.
Theo các chuyên gia, thị trường lao động Việt Nam những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng, gồm: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; gia tăng khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Khi việc đầu tư máy móc, công nghệ sẽ dần phổ biến; dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ - trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, lao động trẻ phải có sự chuẩn bị để đón đầu, bắt kịp xu thế, trang bị cho mình hành trang nghề nghiệp để bước vào thị trường lao động. NLĐ phải nâng cao tay nghề để giữ việc làm, thu nhập ổn định lâu dài. Sự phân hóa trên thị trường lao động là tất yếu khi ngày càng nhiều người gia nhập lực lượng lao động phổ thông, lao động phi chính thức và vai trò quản lý nhà nước về lao động càng yêu cầu được nâng cao, hiệu quả tốt hơn.
Bình luận (0)