Ban đầu, chỉ là ý nghĩ, nhưng về sau thì cảm xúc như bùng lên, không cưỡng được. Thế là triển khai khởi công làm nhà. Suốt hơn 3 tháng trời, tôi như con thoi, đi đi về về giữa Long Mỹ và TP HCM. Chọn một hãng xe đò có trạm tại thị trấn Phước Hải (cách Long Mỹ 2 km), cứ chừng 30 phút là một chuyến rời bến, nhiều khi tôi chỉ kịp nhảy lên xe rồi thiếp đi. Cũng may, xe từ Long Mỹ về tới thành phố chỉ có 3 điểm dừng, đầu tiên là đường Calmette (quận 1), thứ hai là vòng xoay Hàng Xanh và cuối cùng là sân bay Tân Sơn Nhất. Cho nên, nếu có lỡ ngủ quên thì tôi cũng không thể lạc khỏi thành phố.
Một hôm, tôi bắt chuyến xe muộn về TP HCM, khi vừa xuống xe thì gặp một phụ nữ đi ngược chiều. Thấy tôi vai quẩy balô, chị nói nhanh: "Anh tìm xe ôm hả, ổng ngồi kia kìa, ủng hộ ổng đi anh". Tôi bước qua dải phân cách, đi ngược lại phía mũi tàu, thấy một người đàn ông đang ngồi dáng như chờ khách, bên cạnh dựng chiếc xe máy cũ. Thời buổi này, gần như không còn mấy người chạy xe ôm truyền thống. Người đàn ông này cũng chưa già lắm, chỉ trạc tuổi tôi, sao không chạy xe ôm công nghệ?
Tôi thoáng nghĩ vậy nhưng rồi cũng hỏi giá cả chặng đường. Giá cao hơn xe ôm công nghệ nhưng tôi vẫn đồng ý đi. Những lần sau, khi xuống xe, đi ngược lại mũi tàu, tôi vẫn thấy ông xe ôm ngồi đó, dáng lặng lẽ, không vồn vã nhưng ân cần. Trên đường đi, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, anh hỏi tôi làm gì ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi bịa nhanh ra một nghề nghiệp. Tôi bảo rằng mình làm thợ trang trí nội thất, năm nay kinh tế khó khăn quá, ở thành phố đói việc nên phải ra Phước Hải làm. Ngôi nhà của tôi nằm trong khu làng chài, nhỏ thôi nhưng được cái sát biển; không xây dựng gì nhiều, chỉ sửa chữa cho nó "chill chill" xíu là được. Phải công nhận tôi nhập vai cũng khá tốt, chỉ vì muốn tạo không khí tự nhiên. Đó là kinh nghiệm "thực tế sáng tác" mà tôi học được từ cố nhà văn Tô Hoài. Sinh thời, mỗi khi có ai hỏi làm nghề gì, Tô Hoài thường bảo mình là kế toán về hưu.
Một bữa, tôi xuống xe thì không thấy ông xe ôm đâu, thay vào đó là người phụ nữ. Tôi thoáng thấy quen. Hóa ra, đó là người phụ nữ mà tôi gặp ở lần trước, chị là vợ của ông xe ôm, cũng là bà xe ôm.
Vẫn giá cũ. Chị đèo tôi đi. Vẫn vừa đi vừa nói chuyện. Chị nói: "Em có nghe ông xã nói chuyện về anh. Năm nay khó khăn quá anh há. Em trước làm công nhân cho công ty may ở Nhà Bè nhưng giờ thất nghiệp, ở nhà phụ chồng chạy xe ôm. Hai vợ chồng cứ thay phiên có khách là chạy, không kể ngày đêm". Chị lại hỏi tôi công việc ở Phước Hải ổn không, cứ đi đi về về vầy hoài chắc tốn tiền. "Vợ chồng em ở đây là nhà thuê. Trước đây, má em có nhà ở Thủ Thiêm này, nhưng sau bị giải tỏa thì về quê ngoại ở Bình Dương. Nhà ngoại em rộng, nhưng đất xấu không làm gì được, chỉ có cây mai tứ quý nó mạnh nên mọc đầy bờ rào. Vợ chồng em ở đây quen rồi, thỉnh thoảng tranh thủ về thăm má" - chị xe ôm cứ kể, không cần biết tôi có nghe hay không.
Một bữa, hàng xóm Long Mỹ tặng một túi nhãn, tôi chia cho ông xe ôm một ít. Vậy mà ổng cảm động, về kể với vợ. Lần sau gặp, chị nói "bữa nào anh không gấp thì vô nhà em chơi, em mua bia về cho hai ông nhậu". Tôi mỉm cười, nói cảm ơn và trong lòng thấy vui vì cảm nhận được sự chân thành.
Một lần, khi tôi gửi cho bà xe ôm mấy trái đu đủ thì chị nói: "Nhà em không có gì để tặng lại anh, chỉ có mấy cây mai tứ quý ở nhà ngoại, nếu anh thích bữa nào em về trển bứng cho vài gốc?". Tôi bảo nhà mình như cái lỗ mũi, chỗ đâu trồng, cũng là nói cho qua chuyện mà thôi.
Cũng trên một chuyến xe đó, nhưng không phải bao giờ cũng đi thẳng một đường cao tốc. Có khi xe vòng qua bên Nhơn Trạch hay phía Đỗ Xuân Hợp, tôi lại thiêm thiếp ngủ nên xe cứ thế mà tới đường Calmette. Tôi lại đặt grab và tiếp tục những cuộc trò chuyện trên đường. Luồn trong phố, trôi ra hướng sông Bạch Đằng, gió lồng lộng, gió bạt qua tai những lời tình chân, tâm sự. "Dạo này chạy ế quá anh trai. Chút nữa về, tắt app, em đi đổ bê-tông cho một xưởng đúc tượng gần nhà. Có sô này cũng đỡ vất vả anh à" - anh chạy xe ôm công nghệ tâm sự. Anh này, trước đây từng làm giám đốc một công ty quảng cáo tư nhân, nhưng dịch bệnh kéo dài thì lâm vào khó khăn đến mức phải giải tán công ty. Vợ bán hàng online, còn anh chạy xe ôm công nghệ để xoay xở nuôi 2 đứa con còn nhỏ dại.
Có khi tôi đáp lại, có khi chỉ nghe mà không nói gì, cũng có khi chẳng nghe gì ngoài tiếng gió, tiếng ồn trên đường.
Hàng xóm Long Mỹ, khi thì gửi cho tôi túi nhãn, khi gửi cho hũ mật ong ngâm bông đu đủ đực, khi gửi cho thùng cá nâu, ốc bươu, bông súng… Tôi thường khệ nệ mang về nhà rồi khệ nệ mang cho. Trên đường đi thì thường chỉ chia quà cho mấy anh xe ôm, khi thì mấy trái đu đủ, khi thì một túi nhãn, gọi là cho vui. Long Mỹ mùa nhãn, có loại nhãn bắp cải ngon lắm, ai ăn một lần sẽ nhớ. Có lần ông xe ôm nói, nhãn này ngon, sao anh không mang về thành phố bán? Tôi cũng ầm ừ, hứa sẽ nghiên cứu việc này. Người nghèo, nhìn đâu cũng nghĩ tới cơ hội việc làm và kiếm tiền. Những đồng tiền lương thiện, ít ỏi.
Rồi một hôm, tôi xuống xe chỗ vừa ra cao tốc, cũng bước qua dải phân cách đi lại chỗ mũi tàu, nhưng không thấy vợ chồng người xe ôm đâu. Tôi đứng thẫn thờ giây lát, rồi đi vòng ra sau khu nhà trọ. Lần đầu tiên tôi đi qua khu này. Một dãy phòng trọ nối sát nhau, cửa sát mặt đường. Tôi không biết phòng của vợ chồng kia là cái nào. Tôi đi qua mà không nghe ai gọi nên đặt grab về nhà.
Giờ thì tôi vẫn đi đi về về giữa TP HCM - Long Mỹ nhưng không còn đi xe của hãng đó nữa. Có một hãng xe khác, đưa đón tận nhà thuận tiện hơn. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ những cuộc trò chuyện trên đường. Gió bạt lời tình tự. Tôi lại nhớ tới cây mai tứ quý mà vợ chồng người xe ôm có lần nói sẽ tặng cho mình. Mai tứ quý nở suốt bốn mùa, loài hoa đặc thù của miền Nam, đẹp giản dị mà rất dễ trồng. Mai tứ quý nhưng dường như không cao quý và cao giá như mai vàng. Năm nay, thời tiết nóng lạnh thất thường, khiến mai vàng nở bung sớm quá, chưa Tết mà đã rực rỡ khắp nơi rồi. Thế mới thấy, chơi mai tứ quý cũng có cái hay của nó.
Nghĩ lẩn thẩn vậy rồi tôi tự hứa với mình sẽ trồng trong vườn nhà Long Mỹ vài gốc mai tứ quý, để không cần đợi tới Tết, mà ngày thường vẫn có thể nhìn thấy những cánh hoa vàng rực rỡ, đơn sơ. Dường như khi càng lớn tuổi thì con người ta chỉ thích những gì mộc mạc, như chỉ thích hoa mai năm cánh mỏng. Hoa rụng xuống rồi thì cái đài xanh chuyển thành màu đỏ, cũng rực lên như năm cánh hoa. Sắc đỏ lấp ló bao bọc cái nhụy xanh đã kết trái chín đen lay láy, làm cho khu vườn sinh động và ấm áp, như tình người đất phương Nam.
Bình luận (0)