xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Ngôi nhà chung" của động vật hoang dã

ĐỨC NGHĨA

Nhờ lực lượng chức năng chú trọng bảo vệ rừng và đa dạng sinh học nên rừng tự nhiên ở Quảng Trị là nơi sinh sống an toàn của nhiều động vật nguy cấp, quý hiếm.

Mới đây, qua việc bẫy ảnh, cơ quan chức năng đã ghi nhận một gấu ngựa nặng 150 kg xuất hiện trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Phát hiện này khiến nhiều người ngỡ ngàng, vui mừng vì thú quý đã dần quay lại vùng núi non ở tỉnh này.

Chú gấu ngựa nặng khoảng 150 kg vừa được ghi nhận ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: Khu BTTN Bắc Hướng Hóa

Chú gấu ngựa nặng khoảng 150 kg vừa được ghi nhận ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: Khu BTTN Bắc Hướng Hóa

Tín hiệu tích cực

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, cho biết lâm phần do đơn vị quản lý rộng hơn 23.000 ha.

Khu vực phía Bắc huyện Hướng Hóa vốn là nơi giao thoa giữa các luồng thực vật Bắc - Nam và cả Đông Dương nên có tính đa dạng sinh học cao và độc đáo. Rừng ở đây còn tương đối tốt, độ che phủ gần 93% với nhiều kiểu sinh cảnh, thảm thực vật phong phú, là nơi nhiều loài động vật hoang dã có thể sinh sống.

Những năm qua, từ việc khảo sát, điều tra, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã phát hiện, ghi nhận sự có mặt của nhiều loài động vật thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm như: vượn siki, culi, thỏ vằn, tê tê java, sơn dương, mang lớn… Một số loài thú lớn có nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong Sách đỏ thế giới cũng được ghi nhận qua bẫy ảnh và dấu vết để lại trong rừng.

Cụ thể, năm 2017, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa ghi nhận 1 con bò tót nặng 700 kg tại khu vực rừng giáp ranh tỉnh Quảng Bình. Qua theo dõi, truy vết, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa xác định có ít nhất 2 quần thể bò tót với nhiều cá thể sinh sống trong lâm phần quản lý, tập trung tại núi Pa Thiên - Voi Mẹp và khu vực rừng bảo tồn ở xã Hướng Lập. Mới đây, thiết bị bẫy ảnh đã ghi lại hình ảnh một con gấu ngựa thuộc nhóm IB nguy cấp, quý hiếm đang di chuyển, tìm kiếm thức ăn...

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cũng ghi nhận sự hiện diện của nhiều loài động vật quý hiếm, đặc trưng của vùng. Thậm chí, nhiều loài mới, chưa có trong danh mục động vật của Khu BTTN Đakrông cũng được ghi nhận, như: cầy vằn bắc, cầy gấm, khỉ mốc, chà vá chân nâu, vượn má vàng Trung Bộ, trĩ sao…

Cầy vằn bắc là loài động vật quý hiếm, được phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông qua bẫy ảnh. Ảnh: Khu BTTN Đak rông

Cầy vằn bắc là loài động vật quý hiếm, được phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông qua bẫy ảnh. Ảnh: Khu BTTN Đak rông

Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho rằng việc phát hiện, ghi nhận nhiều loài thú quý hiếm tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa và Đakrông là tín hiệu rất tích cực trong việc bảo vệ động vật hoang dã và bảo tồn hệ sinh thái rừng. Điều đó cho thấy những khu vực này vẫn là "ngôi nhà" an toàn, lý tưởng cho các loài động vật sinh sống và phát triển.

"Chúng tôi tin rằng nếu tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp bảo vệ, số lượng loài quý hiếm được ghi nhận sẽ còn gia tăng, đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực" - ông Phước nhấn mạnh.

Bảo vệ đa dạng sinh học bền vững

Theo ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông, việc ghi nhận hình ảnh các loài động vật hoang dã trong lâm phần và các loài mới phát hiện là minh chứng về cam kết lâu dài của đơn vị trong vấn đề bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học.

Để bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả, thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của các dự án, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa và Đakrông đã tăng cường tuần tra, lập các tổ tháo gỡ bẫy thú trong rừng của những kẻ săn bắt trái phép. Hàng ngàn bẫy thú đã được phát hiện, tháo gỡ, tiêu hủy. Môi trường sống của động vật hoang dã vì thế ngày càng an toàn, bảo đảm hơn.

Nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa khảo sát, điều tra động vật hoang dã. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa khảo sát, điều tra động vật hoang dã. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Ông Trương Quang Trung cho biết Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông luôn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm về việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là với động vật nguy cấp, quý hiếm. Không chỉ đơn vị chức năng mà người dân địa phương cũng chung tay tháo gỡ bẫy thú.

Ông Phan Văn Phước nhìn nhận việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã tại các khu BTTN đang đối diện nhiều thách thức. Cụ thể, tình trạng săn bắt trái phép và hoạt động khai thác, lấn chiếm đất rừng làm suy giảm môi trường sống của động vật hoang dã vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, đời sống không ít người dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, phải phụ thuộc vào tài nguyên rừng; nguồn lực dành cho việc bảo tồn động vật hoang dã còn rất hạn chế...

Để đối phó những thách thức nêu trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho rằng cần có chính sách hỗ trợ, phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ông Phước nhìn nhận: "Thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu, đánh giá tài nguyên động vật trong các khu BTTN là bước đi cần thiết để đưa ra những giải pháp bảo tồn cụ thể và hiệu quả hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ sự đa dạng sinh học bền vững cho khu vực". 

Đủ điều kiện thành vườn quốc gia

Theo Quyết định 1737/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, đến năm 2030, hai khu BTTN Bắc Hướng Hóa và Đakrông được nâng hạng lên vườn quốc gia.

Ông Phan Văn Phước thông tin đến nay, 2 khu BTTN này đã đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí để nâng hạng lên vườn quốc gia. Việc nâng hạng lên vườn quốc gia không chỉ giúp bảo vệ thiên nhiên mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã nói riêng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo