Viết trên chuyên san The Conversation, TS Cecilia Bembibre từ Univesity College London (UCL - Anh) cho biết bà và các cộng sự từ nhiều quốc gia đã thực hiện một nghiên cứu táo bạo, bao gồm công đoạn trực tiếp ngửi mùi 9 xác ướp Ai Cập bằng mũi.

Các nhà khoa học cẩn thận chiết xuất mùi từ không gian bên trong các quan tài chứa xác ướp Ai Cập - Ảnh: BẢO TÀNG AI CẬP
Nhóm nghiên cứu đã tập hợp 9 xác ướp từ Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, xác lâu nhất có niên đại lên đến 3.500 tuổi.
Những xác ướp này được bảo quản theo nhiều cách khác nhau và được tìm thấy từ nhiều mộ phần khác nhau, giúp các nhà khoa học có cái nhìn tổng quan.
Họ đã sử dụng các ống kim loại chứa một loại polymer có tác dụng giữ lại các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi để thu thập mùi từ các xác ướp này.
Sau đó, các ống kim loại được đưa vào phòng thí nghiệm của Đại học Ljubljana (Slovenia), nơi nhiều nhà nghiên cứu lần lượt ngửi các ống này, với trải nghiệm dành cho mỗi ống là 15-20 phút.

Một trong các nhà khoa học đang trải nghiệm mùi của xác ướp Ai Cập - Ảnh: THE CONVERSATION
Ban đầu, họ đã chuẩn bị tinh thần cho một điều khủng khiếp, giống như trong các bộ phim về xác ướp Ai Cập, hay mô tả thứ mùi hôi thối từ các hầm mộ cổ xưa và các cỗ quan tài đáng sợ kiểu này.
Nhưng rồi, họ đã sốc khi nhận ra qua hàng thiên niên kỷ, những cỗ quan tài chứa xác ướp vẫn giúp lưu giữ được mùi hương dễ chịu mà các chuyên gia ướp xác thời xưa đã cố tạo ra.
Các mô tả phổ biến mà nhóm ngửi mùi báo cáo bao gồm mùi "gỗ", "hoa", "ngọt", "cay", "cũ" và "giống như nhựa".
Một số người còn chỉ rõ mùi dầu lá kim, trầm hương, thảo mộc và quế. Đặc biệt, một xác ướp còn tỏa ra mùi trà đen dịu nhẹ.
Mùi hương này cũng lẫn với mùi nhẹ của mỡ động vật đã phân hủy được sử dụng trong quá trình ướp xác, mùi hài cốt của con người, mùi các hóa chất diệt côn trùng có nguồn gốc thực vật mà bảo tàng đã sử dụng để bảo quản xác ướp.
Các ống chứa mùi hương cũng được phân tích bằng các kỹ thuật chuyên sâu, giúp xác định cụ thể hơn thành phần của các hỗn hợp và dung dịch mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng cho nghi lễ đặc biệt này.
Các nhà nghiên cứu cũng đang tạo ra một bản mô phỏng hóa học trung thực về những gì họ đã ngửi thấy từ các xác ướp nhằm phục vụ công chúng muốn trải nghiệm.
Dự kiến vào năm 2026, du khách đến thăm Bảo tàng Ai Cập có thể tiếp cận dịch vụ thú vị nhưng không kém phần rùng rợn này.
Bình luận (0)