Trong vai ông chủ thầu xây dựng luôn đề cao vai trò anh hùng của Hai Tài Tử, nhưng khi bị bọn côn đồ hành hung, đòi đuổi cổ “Lục Vân Tiên” – kẻ đã dám vạch trần bộ mặt bất lương của bọn chúng, chủ thầu nhát cáy, mềm nhũn với bộ tịch buồn cười do Mạnh Tràng thể hiện. Xem nhiều vở diễn có mặt Mạnh Tràng, khán giả nhận thấy anh là người của những vai nhỏ. Gặp anh ở hậu trường Kịch Sài Gòn bao giờ cũng thấy anh lụi cụi với hàng loạt việc không tên, lo phát lương, chăm sóc dàn cảnh rồi có lúc kiêm luôn cả việc bán nước giải khát. Cảm thán về số phận chuyên được giao những vai nhỏ “đẻ” ngang hông, Mạnh Tràng cười: “Hổng biết số tôi lận đận hay sao đó, từ 10 năm qua vẫn quanh quẩn với vai nhỏ. Có lúc trên sàn tập một kịch bản đang bí đường ra, lập tức đạo diễn kêu tôi tới để “đẻ” thêm một vai cho kết dính các sự kiện lại. Thật ra vai tôi có cũng được, hổng có cũng xong, nhưng cái số mình hạp với những vai “đẻ” ngang hông, lại toàn mang tâm trạng khác người. Hết làm anh chàng bị điên trong bệnh viện tâm thần, rồi lại làm anh chàng tưng tửng đi hỏi vợ. Nghĩ cũng thấy cười cho chính mình...”.
Có thể Mạnh Tràng khiêm tốn, kỳ thật xem những vai nhỏ của anh, khán giả đã cười thú vị bởi tài ứng biến có duyên, góp phần đem lại hiệu quả tiếng cười cho Kịch Sài Gòn qua các vở: Vàng ơi là vàng, Bến đục bến trong, Em lấy chồng xứ lạ, Lặng lẽ khóc cười, Điệp khúc chồng xa... Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM khoa diễn viên năm 1986 cùng lớp với những người bạn nay đã nổi danh như: ca sĩ Ngọc Sơn, Lý Hải, Trần Sang, diễn viên Quyền Linh, MC Thành Bỉ... Mạnh Tràng cứ mãi lẹt đẹt phía sau vì nhiều hoàn cảnh. Anh kể: “Năm ra trường tôi thực tập ở Đoàn Xung kích Long An một năm, sau đó tôi đầu quân về sân khấu 135 Hai Bà Trưng (Nhà Văn hóa Thanh niên) cùng với nhóm hài Tuổi đôi mươi gầy dựng sự nghiệp, nhưng rồi mình diễn chẳng hơn ai, thế là ba lần định giải nghệ không xong, đến lần bị tai nạn giao thông gãy chân nghỉ xả hơi... ba năm. Được sự động viên của bạn bè, khi bình phục tôi vào sân khấu làm nghề nhắc tuồng, rồi làm hậu đài, soát vé... Nghề gì tôi cũng làm miễn là gần sân khấu. Cho tới khi Kịch Sài Gòn được thành lập và gắn tôi với những vai nhỏ. Vốn sống cơ cực đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất, nhất là vai người lao động tay lấm, chân bùn”.
Một đạo diễn đã nói: Đối với diễn viên, không có vai nhỏ vì nếu có tài anh sẽ biến nó thành vai lớn. Mạnh Tràng đang cố gắng thực hiện điều đó.
Bình luận (0)