Mạnh Tràng và Việt Hà trong vở Áo cho người chết. Ảnh: Thanh Hiệp
Nam diễn viên chuyên đóng vai phụ ở các sân khấu xã hội hóa rất nhiều nhưng nhắc đến Kịch Sài Gòn, khán giả nhớ ngay đến dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười chân thật và cá tính lém lĩnh của các nhân vật phụ mà Mạnh Tràng từng hóa thân. Đôi khi vai diễn ra đời ngay trên sàn tập, không có sẵn trong kịch bản nhưng nam diễn viên này vẫn cố gắng “đắp da, thêm thịt” để vai diễn đó tỏa sáng.
Mạnh Tràng đã tạo được ấn tượng với các vai phụ trong các vở: Oan hồn, Áo cho người chết, Tội ác quyền lực, Hồn ma báo oán, Cứu em… Trong đó vai ông Trúc (vở Tội ác quyền lực) đoạt HCV tại Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2011 và vai ông Minh (vở Hồn ma báo oán) đoạt HCV tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2012.
“Tôi hài lòng với những gì đã làm được dẫu đa phần đóng vai phụ" - nam nghệ sĩ này chia sẻ.
Mạnh Tràng tốt nghiệp lớp cao đẳng diễn viên năm 1990 tại Trường NTSK II (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM), anh là học trò của đạo diễn Hữu Luân, là bạn cùng khóa với Ngọc Sơn, Lý Hải, Trần Sang, diễn viên Quyền Linh, MC Thành Bỉ….
Giai đoạn lúc vừa tốt nghiệp, không có sân khấu nào nhận vì “xấu xí, lùn lại đen đúa", Mạnh Tràng đành vác đồ nghề sửa xe ra đường kiếm cơm. Anh nhớ lần đầu vá xe cho một ông khách, vất vã vì chưa thạo nghề đến một giờ đồng hồ vẫn chưa xong, đành năn nỉ ông khách dẫn đi chỗ khác vá. “Vậy đó, tôi khổ từ nhỏ, nên giờ diễn vai nào cơ cực, tôi mau lấy nước mắt khán giả lắm!” – nam nghệ sĩ này bùi ngùi tâm sự.
Đạo diễn Hữu Luân (Giám đốc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM) nhận xét: “Mạnh Tràng là sinh viên chăm học, rất có năng khiếu khi diễn các vai tính cách. Em là người tôi ấn tượng nhất bởi dám nghĩ, dám làm, những việc gì khó là xung phong và làm tới nơi, tới chốn. Vai ác, vai hài, vai chỉ thoáng xuất hiện em đều nhận và vui vẻ thể hiện. Có thể nói, nhờ cá tính đó mà Mạnh Tràng nhanh chóng có nhiều vai diễn ấn tượng khi rời trường”.
Mạnh Tràng tạo ấn tượng đẹp qua vai diễn trong vở Áo cho người chết (ảnh Thanh Hiệp)
Sau này, Mạnh Tràng về nhóm kịch Tuổi đôi mươi, làm hậu đài với chiếc xe ba gác chở đồ hát mỗi tối đi diễn. Anh và các diễn viên thời đó: Hoàng Sơn, Phước Sang, Mai Dũng, Minh Thủy, Minh Nhí, Phương Bình…đi diễn khắp nơi trên chiếc xe ba gác.
Mạnh Tràng kể, trong những ngày tuyệt vọng nhất của nghiệp diễn viên, anh đã gặp Phước Sang và trở thành anh rể của ông bầu này. Phước Sang đã mời anh về Kịch Sài Gòn, cho anh cơ hội diễn những vai phụ: Vàng ơi là vàng, Lặng lẽ khóc cười, Quả bom điếc, Áo đợi người, Sau cái mặt cười, Quỷ, Biệt thự ma, Hồn ma trinh nữ…và các chương trình kịch truyền hình HTV: Siêu thị cười, Chuyện không của riêng ai, Chuyện nhà nông…
Đến hôm nay, Mạnh Tràng trở thành người quản lý sân khấu Kịch Sài Gòn, một vị trí không cho phép anh diễn ẩu, làm sai để có thể tìm được một hướng đi mới cho thương hiệu sân khấu này từ khi dọn từ quận 1 về rạp Đại Đồng, quận 3 – TP HCM và quyết định hạ giá vé nhưng không hạ chất lượng vở diễn.
“Giai đoạn sân khấu Kịch Sài Gòn gặp khó vì phải dọn nhà, trả mặt bằng, anh em diễn viên tứ tán, tôi nản hết sức khi không lo được nồi cơm ổn định để nuôi sống anh em. Trong làng kịch phải nói chưa nơi nào như Kịch Sài Gòn, diễn suốt tuần, dù đồng lương ít hơn các nơi khác nhưng tiền thù lao đảm bảo để anh em sống. Vừa quản lý, vừa diễn, đôi khi tôi khóc trên sân khấu mà như khóc thật cho chính mình. Vì để làm đúng với công việc được giao, bản thân tôi lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa”-Mạnh Tràng tâm sự.
NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, người đã dựng nhiều vở kịch cho sân khấu kịch Sài Gòn cho biết vở Quỷ là một vở kịch ăn khách. Trong đó, Mạnh Tràng chỉ đóng vai anh chàng thợ điện đến sửa đồng hồ xuất hiện trong vài phút nhưng đủ làm khán giả cười, lo sợ, hồi hộp theo từng động tác của Mạnh Tràng. Mạnh Tràng từng nói: “Kịch luôn kén chọn em” bởi không có chiều cao lý tưởng, không có gương mặt điển trai nhưng bù lại anh có duyên ngầm. Giải Mai Vàng 2008 dành cho anh là một sự công nhận của công chúng đối với quá trình gắn bó với nghề của một nghệ sĩ yêu nghề.
Vai phụ không là tâm điểm nhưng nếu thiếu sự nghiêm túc, tương tác đúng lúc sẽ làm cho các tuyến kịch lạc hướng. “Một số diễn viên cũng chuyên đóng vai phụ nhưng khi nhắc tên là đạo diễn sợ vì họ thường đi lạc và quên mất đường về. Nhưng với Mạnh Tràng, tôi hoàn toàn yên tâm. Vì chẳng những anh tạo thêm cái duyên cho vai kịch mà còn hỗ trợ đắc lực cho bạn diễn của mình”– NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu nói.
Mạnh Tràng và Tấn Hoàng trong hậu trường rạp Đại Đồng (ảnh Thanh Hiệp)
Nghệ sĩ Bảo Châu kể: “Tôi phục anh Mạnh Tràng ở một điểm, sự liều lĩnh trong nghề và cái duyên nhạy bén nên kịch Sài Gòn có một số diễn viên bị kẹt đột xuất, anh ra diễn thế và nhanh chóng nắm bắt mạch kịch. Một lần Hoàng Sơn về trễ, anh phải kéo dài vở Cha yêu đến 15 phút, nhưng vẫn bình tĩnh thể hiện, tạo sự hợp lý trong câu chuyện hay đến bất ngờ. Vai phụ như anh không mấy diễn viên trẻ như chúng tôi dám diễn vì phải có được sự tự tin, bản lĩnh và lòng yêu nghề”.
NS Mạng Tràng và các diễn viên: Bích Trâm, Tấn Hoàng, Hữu Nghĩa tại rạp Đại Đồng
Bình luận (0)