Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 15-11. Trong đó, Thông tư 46 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 67/2019/TT-BCA, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nhiều hành vi ảnh hưởng đến cán bộ, chiến sĩ CSGT
Theo Thông tư 46, điểm c khoản 1 điều 5 quy định về nội dung công khai của công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gồm: Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. So với quy định trước đây, nội dung công khai "trang phục, số hiệu công an nhân dân" đã được loại bỏ.
Bên cạnh đó, điều 11 quy định về hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng thay đổi. Theo quy định mới, người dân được giám sát CSGT làm việc qua các hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trong quá trình giám sát, người dân phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ. Người dân cần tuân thủ các quy định pháp luật khác liên quan. Như vậy, hình thức giám sát CSGT làm việc thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình ở thông tư trước đã được loại bỏ.
Nói về việc này, đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho biết thời gian qua, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
"Khi những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ, người vi phạm bị xử lý nhưng vẫn tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ CSGT" - đại diện Cục CSGT nêu rõ.
Đại diện Cục CSGT cho rằng việc không quy định người dân được giám sát CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình là phù hợp với quy định của Nghị định số 13 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, với Bộ Luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phải tuân thủ quy định
Mới đây, tại cuộc họp về nội dung Thông tư 46 do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện Cục CSGT, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an khẳng định sau khi thông tư này có hiệu lực, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của CSGT. Song, người dân phải bảo đảm các điều kiện đã được pháp luật quy định; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CSGT khi đang thực thi công vụ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc ghi âm, ghi hình của người dân phải đúng mục đích; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. "Tôi cho rằng những hành vi tiêu cực, chưa đúng nếu có của lực lượng CSGT thì người dân có quyền được giám sát qua hình thức ghi âm, ghi hình, lấy đó làm bằng chứng để tố cáo" - ông Phạm Văn Hòa nhìn nhận.
Liên quan nội dung này, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, người dân khi tham gia giao thông bị CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng không đồng ý, trong khi bản thân không có lỗi thì có quyền ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. Tuy nhiên, người dân cần thông báo và phải được sự đồng ý của lực lượng CSGT trước khi ghi âm, ghi hình.
Việc ghi âm, ghi hình đăng lên mạng xã hội nhằm mục đích tuyên truyền, chống phá, bôi xấu, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng CSGT hoặc cố tình chống đối lực lượng CSGT có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Bình luận (0)