Chiều 6-12, PGS-TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết sáng cùng ngày bệnh viện đã thực hiện ca ghép giác mạc đầu tiên từ nguồn hiến là người tình nguyện tại cộng đồng. Đây cũng là ca ghép thứ 4 trong năm 2023. Các trường hợp ghép giác mạc trước đó từ nguồn hiến người chết não.
Người hiến giác mạc là nam giới (40 tuổi, ở Bắc Giang) tử vong do bệnh lý về phổi. Trước đó, gia đình người đàn ông này từng có người thân hiến giác mạc, nên ngay sau khi bệnh nhân mất gia đình đã liên hệ với Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) hiến tặng giác mạc.
Thông tin về ca ghép, PGS-TS Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết đó là bệnh nhân nam (50 tuổi, ở Hà Nội) bị bệnh lý về giác mạc sau chấn thương, đã chờ ghép gần 6 năm. Tình trạng tổn thương giác mạc của bệnh nhân gây kích thích, đau đớn, ảnh hưởng công việc và cuộc sống. Bệnh nhân được ghép giác mạc mắt phải. Sau ca ghép, bệnh nhân ổn định. Dự kiến, sẽ được ra viện sau 1 tuần.
"Giác mạc như thấu kính trong suốt đóng vai trò quan trọng trong hệ quang học của mắt nên khi bị tổn thương sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực. Ghép giác mạc là phẫu thuật thay thế giác mạc bệnh lý bằng giác mạc bình thường của người hiến. Bệnh lý về giác mạc khá phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu do viêm loét giác mạc, di truyền, tai nạn chấn thương trong sinh hoạt tạo sẹo... Những người này, nếu được ghép giác mạc sẽ phục hồi thị lực, trở lại sinh hoạt bình thường"- PGS Cung nói.
Ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 bệnh nhân được ghép. Trong số này 50% ca ghép giác mạc từ người hiến tình nguyện ở các tỉnh, thành, nhiều nhất là Ninh Bình và Nam Định. Tại Ngân hàng Mắt Trung ương, hiện có khoảng 1.000 người đăng ký chờ ghép giác mạc, tuy nhiên nguồn giác mạc từ người hiến tặng sau khi qua đời vẫn còn hạn chế.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương, trước dịch COVID-19 nhiều tỉnh, thành đã huy động được lực lượng cộng tác viên vận động hiến tặng giác mạc. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình là địa phương đi đầu trong cả nước về số người hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho hàng trăm người bệnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 phong trào này thời gian qua ít nhiều bị ảnh hưởng.
Người hiến giác mạc lớn tuổi nhất ở Việt Nam 107 tuổi
PGS Cung Hồng Sơn cho biết rất nhiều trường hợp đang cần ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Hiến giác mạc là một nghĩa cử cao đẹp. Đây cũng là món quà vô giá cho người không may bị mù loà. Hy vọng cộng đồng sẽ ngày càng có nhiều người đăng ký hiến giác mạc bởi khi qua đời, việc lấy giác mạc không ảnh hưởng đến đôi mắt, khuôn mặt của người hiến. Nếu có được nguồn hiến này việc ghép giác mạc cho nhiều người bệnh sẽ thuận lợi hơn.
Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. Đến nay, người hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam là trường hợp 4 tuổi và lớn tuổi nhất là 107 tuổi.
Bình luận (0)