Thông tin trên được BS-CK1 Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2024 vừa được trung tâm tổ chức vừa qua.

Người dân TP HCM đang sử dụng trung bình 8,5g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO là dưới 5g/ngày.
Theo BS Dương, năm 2024, TP HCM đã giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em. Cụ thể, tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi duy trì ở mức thấp 4,5%, và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi là 5,8%. Đồng thời, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả không ghi nhận tình trạng thiếu vitamin A trên lâm sàng.
Tuy nhiên, BS. Dương cũng nhấn mạnh rằng, công tác chăm sóc dinh dưỡng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề như lối sống tĩnh tại, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý còn hạn chế, cùng với thói quen ăn uống không cân đối như ăn ít rau xanh, trái cây, tiêu thụ muối và chất béo quá mức, là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tình trạng gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Số liệu báo cáo cũng cho thấy, người dân TP HCM đang sử dụng trung bình 8,5g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO là dưới 5g/ngày.
Trong năm 2025, ngành y tế sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể để thay đổi thói quen dinh dưỡng không hợp lý. Cụ thể, các biện pháp sẽ bao gồm: tăng cường giáo dục dinh dưỡng, tư vấn cải thiện bữa ăn gia đình và suất ăn tập thể, truyền thông hạn chế tiêu thụ muối và đường, cũng như dán nhãn cảnh báo chất béo xấu. Đồng thời, tiếp tục tăng cường khám sàng lọc, tư vấn dinh dưỡng và giám sát hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng.
Đặc biệt, dinh dưỡng cho người bệnh sẽ được chú trọng hơn trong công tác điều trị và phục hồi sức khỏe, với các chương trình dinh dưỡng tiết chế tại các bệnh viện.
ThS-BS-CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) cho biết lượng natri nạp vào cơ thể tăng cao do thói quen ăn mặn là một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp. Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều muối, khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn và làm tăng thể tích máu. Sự gia tăng thể tích máu này tạo áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.
Ngoài ra, lượng natri dư thừa còn gây rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự co bóp của tim và mạch máu. Theo thời gian, thói quen ăn mặn kéo dài có thể gây xơ cứng động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp mạn tính. Vì vậy, việc hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống là một thói quen quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát huyết áp cao.
Bình luận (0)