Nhớ về lịch sử chiến thắng Phước Long, không thể nào quên những đóng góp to lớn, hy sinh của đại tá Nguyễn Văn Ngoan (82 tuổi, thường được gọi là Ba Ngoan), nguyên Chỉ huy trưởng Huyện đội Phước Long, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) và nữ Đội trưởng Đội Biệt động Bà Rá Huỳnh Thị Minh Tuyết (81 tuổi, thường được gọi là Bảy Tuyết) ở thị xã Phước Long.
Chiến công oanh liệt
Những ngày cuối tháng 4-2025, trời nắng như đổ lửa, men theo con đường ĐT741, chúng tôi tìm đến nhà ông Ba Ngoan. Căn nhà ông Ngoan nằm ngoài con đường lớn ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long. Ông Ngoan dù sức khỏe yếu nhưng vẫn kể rành rọt về những chiến công đã lập được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Ngoan quê ở Hải Dương, nhập ngũ năm 18 tuổi. Năm 1964, ông vào Phước Long để bổ sung cho C54 và Tiểu đoàn 840, Quân khu 6. Đến năm 1966 - 1967, khi Quân khu 6 tách về tỉnh Lâm Đồng thì C54 bổ sung cho Quân khu 10, ông Ngoan thuộc C10, tỉnh Phước Long (cũ). Năm 1970, ông là thượng úy, Huyện đội phó Huyện đội Bù Đốp. Tại đây, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt để cùng đồng đội làm nên chiến dịch giải phóng Phước Long.

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan kể với phóng viên Báo Người Lao Động về những trận đánh giải phóng Phước Long. Ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
Ông Ngoan kể năm 1965, Bộ Chỉ huy lệnh cho Tiểu đoàn 840 kết hợp lực lượng Trung đoàn khu 1, 2, 3 đánh trực tiếp vào Phước Long… Lúc đó, ta hoàn toàn giải phóng một loạt ấp chiến lược, dinh điền… ở Phước Long. Năm 1973, Bù Đốp giải phóng thì cấp trên điều Đại đội 1 của Bù Đốp xuống tham gia giành dân, chiếm đất, cắm cờ… Lúc bấy giờ, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Đại đội 13 đặc công và Tiểu đoàn bộ binh 208 đánh Chi khu Bù Đốp "lưu vong". Chỉ sau vài ngày chiến đấu, từ ngày 13 đến 17-12-1974, ta tiêu diệt hoàn toàn Chi khu "Bù Đốp" lưu vong, Chi khu Đức Phong và Yếu khu Bù Na, làm chủ tình hình một quãng Đường 14 dài 80 km, thu nhiều súng đạn…
Ngày 22-12-1974, ta làm chủ hoàn toàn trận địa và quét sạch các mảng đồn, bót quanh khu Thác Mơ, Phước Quả, Phước Tín giải phóng hoàn toàn vùng Nam Bà Rá. Ngày 26-12-1974, đúng 5 giờ sáng, quân ta nổ súng tiến công Chi khu quân sự Đồng Xoài. Đến 8 giờ 35 phút, ta làm chủ được chi khu, đến 15 giờ cùng ngày, ta làm chủ hoàn toàn khu vực Đồng Xoài, Phước Long bị bao vây cô lập hoàn toàn. Tỉnh lỵ Phước Long, núi Bà Rá và Chi khu Phước Bình, địch ở vào thế phòng thủ, phải tổ chức các đơn vị ngăn chặn trên hai hướng Đường 31 và Đường 309, lập một hệ thống đồn, bót dày đặc ở Sơn Giang, Suối Dung, Nhơn Hòa, An Lương.
Rạng sáng 6-1-1975, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, tất cả mục tiêu trong thị xã đều bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Đến 9 giờ ngày 6-1-1975, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc "Dinh tỉnh trưởng". 19 giờ cùng ngày, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng Phước Long mở ra bước ngoặt cho Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Trận đánh then chốt chứng kiến nhiều sự hy sinh, mất mát nhưng oanh liệt, giờ vẫn còn trong tâm trí tôi" - ông Ngoan xúc động.
"Chúng ta cùng đi, chết thì cùng chết"
Về thị xã Phước Long hỏi tên nữ Đội trưởng Đội Biệt động Bà Rá Huỳnh Thị Minh Tuyết ở phường Sơn Giang, ai cũng tự hào và khâm phục. Bà Tuyết sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cát trắng, đầy nắng và gió của làng quê nghèo thuộc Đức Phổ, Quảng Ngãi. Năm 16 tuổi, bà rời mảnh đất cằn, sỏi đá để vào Sài Gòn kiếm sống. Thời gian này, bà đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh, bao người ngã xuống vì đạn pháo, vì sự hy sinh để giải phóng đất nước. Năm 18 tuổi, rời Sài Gòn, bà lên Đồn điền Phú Riềng làm công nhân cao su. "Lúc đó, phong trào đấu tranh lan rộng và tác động lớn vào các tầng lớp thanh niên. Khi đang làm việc, thấy cán bộ đến vận động tham gia phong trào giải phóng, tôi và toàn bộ thanh niên đều thay quần áo rồi lên đường" - bà Bảy Tuyết nhớ lại.
Bà Bảy Tuyết được đưa vào căn cứ bí mật K2 nằm sâu trong rừng Đak Nhau thuộc huyện Bù Đăng để được huấn luyện và làm việc trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Năm 1964, bà được giao nhiệm vụ ra ngoài căn cứ hoạt động, phụ trách công tác dân vận, tuyên truyền đường lối của Quân Giải phóng đến nhân dân. Năm 1968, lúc mới 26 tuổi, bà Bảy Tuyết được bổ sung vào Huyện ủy K11 (Phước Long ngày nay), sau đó được Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội Biệt động Bà Rá K11.
Đội Biệt động Bà Rá có khoảng 7-8 nữ du kích, có khi bổ sung thêm 15 người. Mặc dù quân số ít nhưng Đội Biệt động Bà Rá được huấn luyện rất chuyên nghiệp với phương châm "vừa đánh vừa xây dựng cơ sở, tuyên truyền đường lối cách mạng đến nhân dân". "Thời điểm ấy thiếu thốn lương thực, chúng tôi phải chia nhau từng nắm gạo. Địch càn quét dữ lắm, may mắn cả đội nhiều lần được người dân thương giúp đỡ nên thoát thân. Trong những lần làm nhiệm vụ, tôi tận mắt chứng kiến một số đồng đội bị địch phục kích hy sinh mà lòng đau đớn, chỉ muốn trả thù ngay tức khắc, nhưng vì nhiệm vụ trước mắt, đành phải nén lại" - bà Bảy Tuyết hồi tưởng.
Bà Bảy Tuyết kể có lần bị địch phục kích khiến bà bị thương, đồng đội bắt bà phải trốn đi nơi khác nhưng bà đã từ chối và nói "Chúng ta cùng đi, chết thì cùng chết. Hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước không có gì phải hối tiếc". Với những lần bị địch phục kích, bà Bảy Tuyết dính đạn (hiện là thương binh hạng 1/4). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phước Long, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang. Năm 1992, bà nghỉ hưu.
Đòn trinh sát chiến lược
Tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Phước Long, tỉnh Bình Phước (6.1.1975 - 6.1.2025) diễn ra tối 5-1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ của quân và dân ta.
Chiến thắng Phước Long "là đòn trinh sát chiến lược" thăm dò phản ứng của Mỹ - ngụy, giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, tạo cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đỉnh cao là cuộc tổng tiến công thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bình luận (0)