Chỉ còn chưa tới 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng do công ty gặp khó khăn phải giảm biên chế vào cuối năm 2022 khiến ông Nguyễn Văn Von (58 tuổi, nhân viên bảo vệ tại một công ty may tại tỉnh Đồng Nai) bị mất việc làm. Sau khi mất việc, ông được các đồng nghiệp trong công ty giới thiệu cho ông một công việc mới (làm bảo vệ cho một nhà hàng) nhưng địa điểm làm việc quá xa nhà nên ông quyết định nghỉ hẳn và ở nhà buôn bán phụ gia đình trong thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu.
"Tôi đã có 22 năm đóng BHXH nhưng thời điểm ấy tôi còn hơn 2 năm mới đủ tuổi nghỉ hưu. Vì đã lớn tuổi, khó tìm được một công việc ổn định khác nên tôi quyết định hưởng BHTN và phụ việc lặt vặt trong cửa hàng của con trai. Tôi có bệnh về huyết áp, phải lấy thuốc định kỳ hàng tháng nhưng sau khi nghỉ việc, phải tự đóng BHYT.
Trước nhờ có khoản BHTN nên cũng không mấy khó khăn nhưng nay đã qua 12 tháng hưởng BHTN, cuộc sống cũng khó khăn hơn, phụ thuộc vào các con. Vì vậy, ông mong muốn bản thân ông cũng như những trường hợp nghỉ việc chờ tới tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu giống như mình sẽ được hỗ trợ phần nào về BHYT. Những người sắp tới tuổi hưu giống như tôi, không bệnh này cũng bệnh kia nên không thể thiếu BHYT" - ông bày tỏ.
Vấn đề này cũng được nhiều công nhân, cán bộ Công đoàn đề xuất khi góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm tăng sự hấp dẫn của chế độ hưu trí, thu hút người lao động ở lại hệ thống BHXH càng lâu càng tốt.
Bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield Việt Nam (KCN Tân Bình, TP HCM) cũng cho rằng BHYT rất quan trọng với công nhân, tuy nhiên khi thời gian nghỉ chờ việc (không lương từ trên 14 ngày) việc hoặc chờ hưu, người lao động phải tự đóng BHYT. Nếu không tự mua BHYT, khi bệnh tật, họ phải chi trả khoản tiền lớn để điều trị. Điều này khiến họ rất khó khăn và không khuyến khích họ ở lại hệ thống BHXH lâu dài. Vì vậy, bà Sáu cho rằng nên có chính sách khuyến khích bằng cách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần BHYT trong thời gian bảo lưu quá trình đóng chờ đến tuổi nghỉ hưu.
Bình luận (0)