Sau nhiều năm kết hôn, chị N.T.T., 38 tuổi, (ở Thái Nguyên) vẫn chưa được làm mẹ dù đã nhiều lần thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ba năm trước, chị lại bất ngờ phát hiện bị ung thư vú.
Dù mắc bệnh hiểm nghèo, người chồng sức khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nhưng chị T. vẫn khát khao thực hiện ước mơ làm mẹ nên quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm một lần nữa.
Khi điều trị bệnh ổn định, tháng 5-2023, chị đặt phôi và may mắn có được song thai. Tuy nhiên, đến những tuần giữa của thai kỳ, bệnh ung thư của chị có dấu hiệu tái phát di căn.
Đứng trước sự lựa chọn giữ thai và điều trị bệnh, chị T. quyết định sinh con dù biết tính mạng gặp nguy hiểm. Từ giữa tháng 11-2023, bệnh nhân được theo dõi tại Bệnh viện K với mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ.
Khi thai nhi bước sang tuần 34, thấy diễn tiến bệnh của chị T. phức tạp, nếu không phẫu thuật sẽ gây xâm lấn, vỡ tắc mạch, chèn ép, khó thở... các bác sĩ buộc phải cân nhắc ngừng thai kỳ.
Ngày 5-12, hai ê kíp là các y bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương quyết định mổ bắt con cho thai phụ. Hai em bé gái song sinh nặng 1,8 kg chào đời. Sau ca mổ lấy thai bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
PGS-TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân T. vào viện khi đang mang song thai 32 tuần và ung thư vú trái tái phát di căn. Điều khó khăn đó là bác sĩ phải vừa kiểm soát sự tiến triển của khối u, vừa đảm bảo an toàn cho song thai phát triển.
Khối u hạch chèn ép gây đau đớn cho người bệnh. Suốt 2 tuần qua, các bác sĩ Bệnh viện K phải đưa ra các phương án điều trị, chăm sóc đặc biệt cho thai phụ này.
Qua trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo phụ nữ đã bị ung thư, sau điều trị nên theo dõi sức khỏe, tái khám đúng hẹn. Đặc biệt, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về nguyện vọng sinh con để được tư vấn, kiểm tra sát sao nhất, hạn chế tối đa rủi ro tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Bình luận (0)