"Tôi có người yêu vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Quê người yêu tôi ở miền Tây, bây giờ anh ấy muốn lên Bình Dương tìm việc làm có được không? Anh ấy có phải trình diện công an địa phương hay không?" - bạn đọc Trần Nhã Ngọc (SN 1993; ngụ quận 8, TP HCM) thắc mắc.
Về vấn đề này, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, trả lời như sau:
Nghị định 80/2011/NĐ-CP đã quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (thời điểm chấp hành xong án phạt tù) và Nghị định 49/2020/NĐ-CP quy định rất chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.
Nghị định 49/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15-6-2020, thay thế Nghị định 80/2011/NĐ-CP.
Khoản 3, khoản 4 Điều 25 Nghị định 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng:
"Điều 25. Trách nhiệm của công an cấp xã:
3. Lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với MTTQ và các tổ chức, đoàn thể xã hội tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù.
4. Hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, xin xóa án tích; chủ động báo cáo UBND cấp xã làm thủ tục đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích cho người chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật".
Theo đó, người yêu của bạn sau khi chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương thì anh ấy phải thực hiện các quy định đã được hướng dẫn trong nghị định, vẫn chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, người có thẩm quyền. Do đó, việc công an phường (xã) làm việc, lập hồ sơ giám sát, giáo dục với người yêu bạn là đúng quy định.
Bình luận (0)