Cơn đau tức ngực giữa khuya làm tôi chẳng thể nào dỗ lại giấc ngủ. Tôi cố hít thật sâu bằng đường mũi và thở ra bằng đường miệng thật dài nhưng không làm cho cơn đau dai dẳng ngưng lại. Tôi cố ru giấc ngủ của mình cho đến sáng hôm sau.
Khi cơn đau ngực lại tiếp diễn vào buổi trưa, tôi đành phải đến bệnh viện gần nhà thăm khám. Tôi chỉ định lấy đơn thuốc về mua uống nhưng việc đời không đơn giản thế!
"Chú bị nhồi máu cơ tim cấp, chuyển cấp cứu gấp!". Tiếng của em điều dưỡng thông báo sau khi tờ giấy điện tâm đồ chạy ra khỏi cái máy. Tôi hơi bần thần vì chẳng thể biết có cớ sự này. Họ tiêm một mũi thuốc chống đông máu vào vùng bụng và chỉ cái giường trống cho tôi nằm đợi làm thủ tục chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Chai dịch truyền lúc la lúc lắc khi xe đi qua giao lộ hay gặp phải ổ gà trên đường…, rồi tiếng còi xe cứu thương im bặt. La liệt xe cứu thương đậu kín trong khu vực cấp cứu. Giường hay băng ca không còn một chỗ trống. Thời gian cứ trôi qua hết một giờ, hai giờ và ba giờ nằm ở khu vực cấp cứu, cuối cùng tôi cũng được đưa về Khoa Tim mạch can thiệp để nhập viện.
Ở Khoa Tim mạch can thiệp, băng ca chuyển lên bất kể giờ giấc nếu có người bệnh nhập viện. Cái chết đến rất nhanh và ra đi rất nhẹ nhàng đối với người bệnh ở khoa này. Đang lúc hỏi thăm nhau, vì sao lên đây hay từ đâu đến, khi họ chưa kịp trả lời là đã lật ngang khỏi băng ca, cơ thể gồng cứng lên, chân buông thỏng xuống. Tôi chỉ cố chụp lại phần vai của họ và người khác đưa hai chân lên băng ca cho ngay ngắn. Họ nhờ người nhà chạy lên phòng hành chính để báo cần sự giúp đỡ. Tôi chẳng biết số phận của mình đi đâu về đâu?
Chuyện gì đến cũng sẽ đến, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đức Đạt chỉ cho tôi xem 3 nhánh mạch máu bị tắc, phải phẫu thuật.
Tôi được thông báo là sẽ đi lượt thứ hai để phẫu thuật. Người trước tôi là ông chú ngoài sáu mươi tuổi. Tiếng người hộ lý vang lên trước cửa phòng khi kêu tên chú đi xuống phòng mổ.
Đến giữa trưa thì tên của tôi cũng được xướng lên và tôi lại có dịp gặp chú. Hai băng ca chạm vào nhau, không ai nói với ai lời nào. Tôi lấy mấy ngón chân chạm vào hai bàn chân của chú như chào hỏi. Chú có lẽ cũng cảm nhận được nên cũng khều khều mấy ngón chân vào hai bàn chân của tôi. Chỉ có tấm drap đắp ngang cơ thể. Hơi máy lạnh tỏa ra làm tôi thấy lạnh buốt sống lưng. Chú được đẩy vào phòng mổ.
"Trời ơi, chết rồi, kêu bác sĩ hồi sức xuống hỗ trợ gấp, cả bác sĩ siêu âm luôn!". Những câu nói như ra lệnh và tiếng bước chân chạy rầm rập trong phòng mổ. Cánh cửa phòng mổ mở ra, chú nằm trên bàn, tiếng bíp bíp kêu liên hồi.
Người bác sĩ đặt dụng cụ nong mạch vành gọi người nhà vào thông báo bệnh tình của chú. Hai băng ca lại đụng nhau trước phòng mổ, chỉ là không kịp chào nhau như lúc đầu chạm chân. Bác sĩ nói chú khó qua khỏi, máu chảy bên trong khi đưa ống vào trong ngực, chỉ mong còn nước còn tát...
Bác sĩ Đạt cố bắt chuyện để xua đi sự im lặng và đầy lo âu khi nó hiện diện trên khuôn mặt tôi. Chúng tôi trò chuyện như chưa có việc gì xảy ra. Ông gây tê nơi tay phải tôi và đặt dụng cụ gì đó thông qua động mạch ở cổ tay, đi vào sâu trong lồng ngực. Thời gian trôi qua rất lâu, tôi buồn ngủ nhưng bác sĩ Đạt không cho ngủ vì có thể nó ảnh hưởng đến quá trình làm việc.
Cuối cùng, sau 3 giờ, tôi được đẩy ra khỏi phòng mổ, về lại khoa. Mọi người trong phòng thấy tôi đều hỏi thăm về ông chú. Tôi không muốn làm họ hoang mang nên trả lời qua loa.
Sáng hôm sau, tôi được kiểm tra sức khỏe và ra về, tái khám sau 15 ngày. Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều người vì khả năng hồi phục mau.
Cuộc đời có lúc thật éo le nhưng cũng nhờ nó, tôi có thể cảm nhận được đâu là giá trị của tình người với người. Nhờ cô điều dưỡng ở bệnh viện tuyến dưới, nhờ những y bác sĩ kịp thời chuyển viện và nhờ bác sĩ Đạt, tôi đã bước qua lằn ranh sinh tử một cách đầy may mắn.
Bình luận (0)