Ăn chay được hiểu là không dùng thịt động vật. Có hai kiểu ăn chay cơ bản, gồm: Ăn chay thường (vegetarian) - không dùng thịt động vật nhưng có thể ăn trứng và các loại chế phẩm từ động vật như bơ, sữa, mật ong; ăn chay thuần (vegan) - không dùng thịt động vật, trứng, bơ, sữa, mật ong… và bất cứ sản phẩm nào chứa những thành phần này.
Như một thói quen tự nhiên
Nguyễn Ngọc Kim Ngân được mẹ tập ăn chay từ nhỏ. Cô gái quê Tiền Giang này xem đó là một thói quen gần gũi với bản thân suốt nhiều năm qua. Gia đình Ngân ăn chay một số ngày trong tháng, đặc biệt là vào dịp giỗ chạp tổ tiên, ông bà để thể hiện tấm lòng thành kính tưởng nhớ tiền nhân.
Dù không phải là Phật tử song cùng với ăn chay, Ngân còn dành thời gian tìm hiểu về kinh kệ nhà Phật và tìm thấy nhiều thông điệp nhân văn, cổ vũ con người sống đẹp, sống chậm. Những hiểu biết này càng làm cô yêu thích việc ăn chay, nhất là khi nhận ra nhờ vậy mà ít có động vật bị ảnh hưởng sự sống hơn.
Đỗ Tuyết Hân (quê Phú Quốc) thì được khuyến khích ăn chay khá sớm vì gia đình theo Phật giáo. Cả nhà cô thường ăn chay vào các ngày mùng 1, 14, rằm, 29 và 30 âm lịch. Đến năm học lớp 12 thì cô ăn chay thường xuyên hơn.
Ngân cho rằng việc ăn chay trước hết có ý nghĩa về mặt tinh thần, phù hợp với tín ngưỡng gia đình mình. "Nhà Phật dạy chúng ta không sát sanh nên tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng ăn chay góp phần cứu sống được các động vật như trâu, bò, heo, gà..." - cô bày tỏ.
Mặt khác, ăn chay cũng giúp cải thiện sức khỏe đáng kể. Các món ăn chế biến từ thực vật như rau, củ, nấm, trái cây, ngũ cốc... được cho là "thực phẩm vàng", vừa giúp thanh nhiệt giải độc vừa giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Vì vậy, Hân càng cảm thấy an tâm duy trì thói quen ăn chay. Do tính chất công việc và bối cảnh hiện thời khó có thể ăn chay trường, song cô luôn cố gắng giữ việc ăn chay 10 ngày mỗi tháng.
Lê Thị Xuân Kiều (quê Quảng Ngãi) cũng thường xuyên ăn chay. Cô cảm thấy nhờ vậy mà mình có sức khỏe tốt, hạn chế các loại độc tố từ thịt động vật không rõ nguồn gốc.
Bạn trẻ 18 tuổi này tin rằng những bữa ăn chay góp phần đáng kể cho việc giảm cân, giữ dáng, đẹp da và giúp tinh thần nhẹ nhàng, thư thái. Vì vậy, cô thường chọn chế độ ăn chay nhiều ngày nhất có thể.
Thể hiện trách nhiệm với xã hội
Là sinh viên ngành kỹ thuật chế biến món ăn, Nguyễn Ngọc Kim Ngân tin rằng việc ăn chay có hiểu biết, có kiến thức về hàm lượng dinh dưỡng và cách thức chế biến khoa học sẽ mang lại "sức khỏe vàng" cho mọi người.
"Các loại trứng, sữa vẫn đầy đủ protein, có thể thay thế thịt, cá. Các loại hạt và rau củ cũng có nhiều năng lượng, khoáng chất cho cơ thể. Việc ăn chay không hề làm hạn chế nguồn năng lượng và sức trẻ" - Kim Ngân nhấn mạnh.
Ăn chay dần trở nên quen thuộc trong cộng đồng, không chỉ bắt nguồn từ quan điểm tôn giáo mà còn là cách mà nhiều người lựa chọn như một lối sống nhằm mang lại nhiều giá trị cho chính mình và xã hội. Đây cũng là những ý kiến được các diễn giả đề cập và phân tích trong tọa đàm với chủ đề "Xu hướng ẩm thực chay" do Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức cuối tháng 11 vừa qua.
Khách mời tham gia tọa đàm - những chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp có tiếng đến từ các hiệp hội đầu bếp chuyên nghiệp hay các chủ nhà hàng... - đều khẳng định vai trò của ẩm thực chay trong việc duy trì lối sống lành mạnh và bền vững. Trong bức tranh đa dạng của ẩm thực Việt Nam, ẩm thực chay là một mảng quan trọng, không chỉ ở trong nước mà còn ghi dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
Với sự sáng tạo, tinh tế, khéo léo, những món ăn chay ngày càng được chế biến đầy dưỡng chất, ngon miệng và bắt mắt hơn. Thực đơn chay của các nhà hàng hay gia đình Việt cũng vô cùng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của thực khách.
Đi kèm với việc ăn chay, nếp sống xanh - sạch - lành cũng dần hình thành rõ nét, trở thành tiêu chí thịnh hành trong đời sống thường nhật của không ít bạn trẻ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nóng lên toàn cầu là khí thải trong công nghiệp chăn nuôi gia súc. Theo các chuyên gia, ăn chay là phương pháp thiết thực để bảo vệ môi trường sống và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi lẽ, loài người đã tàn phá rất nhiều rừng để phục vụ trồng trọt và chăn thả gia súc, gia cầm...
Khi nhận thức được điều này, một bộ phận giới trẻ sớm thực hành ăn chay. Không chỉ để nâng cao thể chất và tinh thần, ăn chay còn là cách mà họ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Bình luận (0)