Chàng trai gen Z Vũ Đức Huy vốn thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Huy vừa tốt nghiệp Trường ĐH Fulbright Việt Nam và đang miệt mài cùng cộng sự thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên.
Vũ Đức Huy cùng cộng sự tích cực thực hiện dự án bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên .Ảnh: TRƯỜNG ĐH FULBRIGHT VIỆT NAM
Dự án mang tên "Động Tượng" này nhằm nghiên cứu, tìm kiếm, lưu trữ tư liệu về nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của các dân tộc Bahnar và Jrai tại 2 tỉnh Kon Tum - Gia Lai. Qua đó, giới thiệu những nét đẹp văn hóa và câu chuyện của tượng nhà mồ đến nhiều người và các thế hệ sau. Các hoạt động truyền thông - giáo dục - kết nối cộng đồng sẽ được tổ chức để thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào cuộc đối thoại với việc thực hành - bảo tồn văn hóa truyền thống và khuyến khích sự đóng góp nhằm đưa tượng nhà mồ gần gũi hơn với nhiều người.
Nhận thấy người trẻ đang có xu hướng tìm tòi về bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng việc lưu giữ và quảng bá các giá trị của nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ cũng gặp nhiều khó khăn khi các tập tục ít được giới trẻ quan tâm, Huy và một số sinh viên cùng trường càng quyết tâm theo đuổi dự này. Các bạn trẻ đã bền bỉ nghiên cứu tại một số nơi còn giữ nghề điêu khắc tượng nhà mồ tại Tây Nguyên.
"Tôi sinh ra, lớn lên ở Tây Nguyên và tri ân vùng đất đã bao bọc bao thế hệ người dân nơi đây. Khi bước ra thế giới rộng hơn, học được nhiều thứ hơn, tôi nhận thấy một số giá trị văn hóa của một cộng đồng người dân tộc đang dần mất đi nên muốn góp sức để gìn giữ nét đẹp này" - Huy bày tỏ.
Thông qua dự án, những giá trị văn hoá của các nhóm dân tộc tại khu vực Tây Nguyên được lan tỏa rộng rãi hơn
Theo Huy, khi nói về tượng nhà mồ, người ta thường gắn chúng với sự nguyên thủy, thô sơ như là chuẩn mực trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng địa phương và cho rằng đó là điều thu hút. Tuy nhiên, Tây Nguyên ngày càng thay đổi sau những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, kéo theo việc biến mất của các khu nhà mồ và việc ngừng thực hành lễ bỏ mã. Khi khung văn hóa vốn có dần mai một, vấn đề đặt ra là tượng nhà mồ nên tồn tại như thế nào?
"Phải chăng tượng nhà mồ nên được coi như một di sản, là vật phẩm còn sót lại, mang ý nghĩa trưng bày, hay như một nét văn hóa đang được thực hành bởi một cộng đồng? Bản sắc văn hóa thuộc về cộng đồng hiện tại, phục vụ cộng đồng hiện tại. Khi hiện tại khác quá khứ, bản sắc cũng thay đổi. Văn hóa không thể được phục dựng mà cần được thực hành một cách tình nguyện, trân trọng từ chính những người liên quan" - Huy trăn trở.
Với dự án của mình, Huy mong muốn giới trẻ có thể thấy được sự thay đổi của tượng nhà mồ; cùng trải nghiệm, chiêm nghiệm và chia sẻ góc nhìn về thực hành văn hóa. Từ đó, anh kỳ vọng giới trẻ thêm đồng cảm, yêu mến, trân trọng và đóng góp cho sự phát triển thực hành văn hóa tại Kon Tum - Gia Lai và cả Tây Nguyên.
Bình luận (0)