Ngày 20-1, tại Hà Nội, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam (24-1-1994 đến 24-1-2024).
99% lượng máu từ người hiến máu tình nguyện
Theo PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương, giai đoạn trước năm 1994, nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị thiếu nghiêm trọng, không có người cho máu.
Giai đoạn này, lượng máu toàn quốc tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp.
Đầu năm 1994, lễ phát động Ngày hiến máu nhân đạo lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hà Nội đánh dấu sự phát động phong trào hiến máu nhân đạo, nay là hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.
Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết qua 30 năm, từ chỗ đa phần là người bán máu, từ số đơn vị máu tiếp nhận rất khiêm tốn, chỉ 139.000 đơn vị máu tiếp nhận được năm 1994, lượng máu đã tăng lên hơn 500.000 đơn vị vào năm 2008.
Đến năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương tỉ lệ 1,5% dân số. Trên 21,3 triệu đơn vị máu đã được hiến tặng trong 30 năm qua.
"30 năm qua thực sự là cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động này đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội"- PGS Thanh nhấn mạnh.
Nhiều chiến dịch hiến máu tình nguyện
Đánh giá cao hoạt động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, đề nghị Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; các cơ quan, đơn vị cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, các nhà lãnh đạo, quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.
Các đơn vị tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh.
Người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu...
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, đến nay đã có hàng chục ngàn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu hơn từ 50 đến hơn 100 lần và hàng ngàn gia đình có hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.
Nhiều chiến dịch, chương trình hiến máu tình nguyện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng; Chủ nhật Ðỏ; Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện; Chiến dịch những giọt máu hồng - hè và Hành trình Ðỏ, Ngày Quốc tế người hiến máu…
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!