Sau 70 lần hiến máu, anh Nguyễn Trí Hiếu đặt mục tiêu sẽ hiến máu 100 lần
Gần 100 người với số lần hiến máu kỷ lục đã có cuộc gặp gỡ ngày 4-6 trong hoạt động nhằm hướng đến tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Tại đây, anh Nguyễn Trí Hiếu (SN 1974, đến từ TP HCM) chia sẻ anh sẽ phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần, đến khi không còn đủ điều kiện hiến nữa. "Mẹ tôi mất do thiếu máu để truyền. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho bà đến giờ tôi vẫn còn nhớ"- anh Nguyễn Trí Hiếu mở đầu câu chuyện khi nói về lý do anh đã có 70 lần hiến máu.
Theo anh Hiếu, thời điểm cách đây hơn hai chục năm, phong trào hiến máu tình nguyện chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn. "Không chỉ mẹ tôi mà lúc đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này"- anh Hiếu chia sẻ.
Vài năm sau sự ra đi của người mẹ, khi thấy thông tin về hiến máu, anh quyết định đi đăng ký hiến máu luôn. Từ lần đó đến nay, sau 22 năm, anh đã hiến máu đến 70 lần và là một trong số ít người hiến máu nhiều nhất Việt Nam. Bản thân anh Hiếu cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước. "Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì mình không giữ" - anh nói.
Ông Lâm Văn Vinh bắt đầu hiến máu từ năm 2002, đến nay ông đã hiến máu 45 lần
Cũng đến từ TP HCM, ông Lâm Văn Vinh (57 tuổi) là một trong những thành viên Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm của TP HCM với 45 lần hiến máu. Do mang nhóm máu B Rh-, với tỉ lệ khoảng 10.000 người mới có 4-7 người nên ông Vinh có tên trong danh sách hiến máu trực tiếp, cứ khi nào bệnh viện cần máu là gọi, dù đang ở đâu ông cũng gác hết việc để đến hiến máu. Trong những lần hiến máu cho người bệnh, ông Vinh đã từng hiến máu cho 1 em nhỏ ghép thận và và 1 bệnh nhân mổ tim tại TP HCM. "Chỉ còn 3 năm nữa là hết tuổi hiến máu, tôi hy vọng những giọt máu của mình sẽ còn giúp ích được thêm nhiều người khác"- ông Vinh chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Minh vận động người cháu họ cùng tham gia hiến máu ở Ninh Bình
Có "thâm niên" 31 lần hiến máu, ông Phạm Hồng Minh (55 tuổi, ở Ninh Bình) chia sẻ không chỉ cá nhân ông thường xuyên đi hiến máu mà ông đã vận động vợ con, anh em họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu, với số lần hiến máu khoảng hơn 70 lần. Sau mỗi lần hiến máu, sức khoẻ ông vẫn rất tốt nên các thành viên trong gia đình đều ủng hộ. Đối với ông Minh, việc cho đi giọt máu là san sẻ sự sống cho nhiều người khác mà không mong nhận lại. Sau mỗi lần như thế, ông cảm thấy tâm hồn thanh thản, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
1,4% dân số tham gia hiến máu
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, cho biết truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B , viêm gan C, giang mai. Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020.
Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250 ml). Trong đó, 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu (quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu). Tỉ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.
Bình luận (0)