Cuối năm 1788, lợi dụng lời cầu cứu của vua Lê Chiêu Thống, vua Càn Long đã sai Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân sang xâm lược nước ta.
Ðược tin, để tỏ rõ chính nghĩa và thể hiện danh nghĩa đối với cả nước, trách nhiệm với toàn dân, ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lập đàn ở phía Nam núi Ngự Bình (Huế) tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung (ánh sáng ở trung tâm). Ngay trong lễ đăng quang, Nguyễn Huệ đã đọc bài "Hịch xuất quân". Bài hịch chỉ có 35 chữ mà khái quát rất nhiều tầng ý nghĩa và mang một phong thái đĩnh đạc, hùng tráng:
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định)
"Ðánh cho để dài tóc
Ðánh cho để đen răng
Ðánh cho nó chích luân bất phản
Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
Bài hịch (còn có tên là "Hịch đánh Thanh" hoặc "Lời hiếu dụ tướng sĩ") chỉ có 5 dòng mà chữ "đánh cho" được lặp lại đến 5 lần. Ðó là một lời kêu gọi đánh giặc, đúng hơn là phải đánh tan quân giặc. Ở đây ý thức quyết chiến, quyết thắng thể hiện nhất quán và vững chắc, bằng một quyết tâm sắt đá. Vua Quang Trung không kêu gọi đuổi quân Thanh về nước mà là phải đánh cho chúng tan tành, đại bại. Tinh thần đó thể hiện sự tự tin và quyết liệt, điều mà hầu hềt các tướng lĩnh Ðại Việt các thời kỳ đều thể hiện rõ nét.
Phân tích kỹ, ta thấy bài hịch tập trung nêu bật mục đích của chiến dịch Bắc tiến, cũng là lần thứ 3 Nguyễn Huệ ra Bắc. Có 3 mục đích chính: đó là "Ðánh cho để dài tóc", "Ðánh cho để đen răng". Cha ông ta ngày trước để tóc dài, búi tó, khác với quân xâm lược Thanh tết đuôi sam. Ðồng thời, cha ông ta trước đây có tục nhuộm răng đen. Vì vậy, ý 2 câu này là đánh để giữ phong tục, tập quán, truyền thống riêng của ta; tức là đánh giặc để ta được là ta, để ta không bị đồng hóa.
Ðó là "Ðánh cho chúng chích luân bất phản", "Ðánh cho chúng phiến giáp bất hoàn". Hai câu này có nghĩa là đánh cho giặc đến một bánh xe cũng không thể quay về nước, tức là đánh cho xe ngựa của chúng tan tác; đồng thời, một mảnh áo giáp cũng không còn nguyên vẹn. Như vậy, vị hoàng đế khích lệ, cổ vũ tinh thần tướng sĩ phải đánh cho bọn xâm lược đại bại, thất bại hoàn toàn.
Ðó là "Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". Câu này có nghĩa là đánh để lịch sử (là các thế hệ sau của bọn giặc phương Bắc) biết nước Nam anh hùng có chủ, tức là đánh để bảo vệ độc lập, tự chủ của dân tộc, đánh để cho muôn đời thấy rõ tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.
Chúng ta cùng đọc lại đoạn trích trong "Hoàng Lê nhất thống chí", hồi thứ XIV: "Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Ðời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Ðạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Ðinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy, đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước! Các quân lính đều nói: Xin vâng lệnh, không dám hai lòng!".
"Hoàng Lê nhất thống chí" được viết trải qua nhiều đời của các danh sĩ dòng họ Ngô, có người cùng thời với vua Quang Trung, cũng có người đời sau. Ở đoạn trích này, ta thấy rõ các tác giả Ngô gia văn phái đã dành cho vua Quang Trung những trang đẹp nhất, hào hùng nhất, tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Ðoạn văn đó đã thể hiện được quan điểm, thái độ của vị hoàng đế đối với cuộc chiến chống quân xâm lược sắp diễn ra. Người tố cáo tội ác của giặc bằng giọng điệu chất ngất hờn căm: "Chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải...". Nhà vua đồng thời viện dẫn về những anh hùng dân tộc trong quá khứ để thuyết phục binh sĩ và tuyên bố với binh sĩ về mục đích của cuộc tiến quân ra Bắc, ý nghĩa của ngọn cờ Tây Sơn: "Ðánh đuổi quân Thanh, đem lại thái bình thịnh trị cho non sông gấm vóc...", đó là một mục đích cao cả mà trách nhiệm của mỗi người dân Việt đều phải ra sức thực hiện. Cuối cùng, vị hoàng đế cũng nghiêm khắc cảnh báo: không được ăn ở hai lòng, nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm khắc! Trước những lời thấu động tâm can, quân sĩ đã đồng lòng hưởng ứng.
Ðọc lại "Hịch đánh Thanh", chúng ta nhớ đến những áng thiên cổ hùng văn khác: bài thơ "Thần" thời nhà Lý với câu bất hủ "Sông núi nước Nam vua Nam ở"; "Cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi với những câu ngàn năm vẫn còn vang vọng: "Như nước Ðại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Ðinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương...". Nước Nam dù nhỏ nhưng chưa bao giờ là nước yếu, so với các nước vẫn luôn có chỗ đứng riêng, điều đó không chỉ được chứng minh trong lịch sử mà còn được ghi nhận như một sự thực hiển nhiên, được sách trời ghi lại.
Ở "Hịch đánh Thanh", ta không thấy những đúc kết mang tính cao sâu mà rất giản dị, gần gũi nhưng cũng có ý nghĩa rất sâu sắc. Quyết đánh thắng giặc Thanh cũng là những lời khẳng định sắt đá về nền độc lập, tự chủ của nước nhà. Những điều đó chắc chắn đối với người dân Việt thời nào cũng có và luôn thể hiện bằng nhiều cách.
Riêng với vị vua có tinh thần độc lập và tự cường vô cùng mạnh mẽ Quang Trung - Nguyễn Huệ, tinh thần ấy dường như còn được thể hiện rõ nét hơn, cụ thể hơn và vì thế những lời ấy dù đã qua trên 230 năm vẫn như còn vang vọng đâu đây!
Lời hịch ấy thực sự là một áng hùng văn!
Bình luận (0)