Để phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, được sự chỉ đạo của Phân khu 2, cấp ủy xã Vĩnh Lộc, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM), Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công hỏa tuyến với hàng trăm nam nữ thanh niên (chỉ từ 16 đến 20 tuổi) tham gia phục vụ chiến đấu.
Đêm 15-6-1968 (nhằm ngày 20-5 âm lịch), nhận được lệnh từ cấp trên, đoàn dân công hỏa tuyến Tân Hòa 2 tập trung tại ngã tư Tân Hòa 1 cùng với đoàn dân công hỏa tuyến Tân Hòa 1, tổng quân số của 2 đoàn là 55 người, trong đó có 1 du kích có vũ trang dẫn đường, 1 thanh niên tòng quân. Nhiệm vụ của đoàn dân công hỏa tuyến đêm đó là chuyển 2 thương binh của Sư đoàn 9 đang nằm dưới ghe chờ tại góc bưng Láng Cát về Bình Thủy (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), sau đó tải đạn về điểm tập kết.
Khoảng 22 giờ 30 phút, đoàn dân công hỏa tuyến tiến về Bình Thủy theo hướng cánh đồng bưng Láng Cát, nghe tiếng máy bay địch và đèn pha từ máy bay, đoàn dân công đã nấp vào những gốc dứa nhưng vẫn bị địch phát hiện, đạn từ 2 máy bay liên tiếp xả xuống đìa dứa.
"Đạn bay như mưa xuống vị trí 2 chiếc ghe cùng đoàn dân công hỏa tuyến đang ẩn nấp, ghe vỡ tan, chỉ còn lại những mảnh ván, đạn dội xuống nước tung lên như một trận mưa lớn nhưng không phải là nước đồng bưng đơn thuần mà lẫn trong ấy là máu đỏ của đồng đội. Những bụi dứa dại không đủ sức che chở cho những người con Vĩnh Lộc, những cánh tay ôm chặt nhau, che chở cho nhau nhưng rồi cũng không đủ sức... Tôi nằm xuống đìa dứa nhưng ngộp quá chịu không nổi, ngạt thở mà há miệng ra là nước tràn vào. Xác định sống chết gì chắc cũng tại nơi này, tôi gượng hai tay để đứng lên nhưng bụi dứa vừa bị máy bay bắn lật gốc đè lên vai. Cố gắng lắm tôi mới đứng dậy được. Lúc này, máy bay địch đã bay tới đằng trước, tôi cố hết sức gượng dậy và chạy khỏi đìa dứa, nếu không chắc cũng không còn" - bà Nguyễn Thị Khỏi (SN 1944, một dân công) kể.
Sau gần 1 giờ soi đèn, xả đạn thấy không bị chống trả nên địch rút đi. Tiếp đó, lực lượng du kích bên ta được huy động vào bưng tìm những dân công bị thương đưa về. Trận oanh kích đã cướp đi sinh mạng của 32 người gồm 25 nữ, 7 nam...
Nhớ lại ngày đó, bà Lê Thị Túy (SN 1953), một dân công hỏa tuyến, cho hay lúc tham gia dân công bà mới 16 tuổi. "Lúc đó còn trẻ lắm nhưng thấy địch bắn phá, giết người nên tham gia dân công hỏa tuyến với ý niệm tuổi nhỏ làm việc nhỏ, giúp được gì cho cách mạng thì giúp để đánh địch, sớm kết thúc chiến tranh. Những đồng đội của tôi ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Thương lắm!" - bà Lê Thị Túy nghẹn ngào nói.
Bình luận (0)