Cụ Đỗ Quang sinh năm 1807, mất năm 1866, ở xã Hoa Điếm (sau đổi tên thành Phương Điếm), huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Sát cánh với Thống tướng Nguyễn Tri Phương
Thành và tỉnh Gia Định - trung tâm và đầu não của đất Nam Kỳ - bị thực dân Pháp đưa quân đến đánh phá từ năm 1859. Người Pháp lúc ấy âm mưu dùng chỗ đất "đầu cầu" này mở rộng sự thôn tính ra toàn Nam Kỳ.
Cố gắng ngăn chặn tham vọng độc địa ấy, từ tháng 8-1860, triều đình vua Tự Đức ở Huế đã cử danh tướng Nguyễn Tri Phương làm "Gia Định Quân thứ Tổng thống Quân vụ đại thần" - đứng đầu việc giữ đất Gia Định bằng quân sự.
Cùng lúc đó, một hội đồng gồm 22 quan chức đại thần cũng tiến cử Đỗ Quang vào Nam, làm "Gia Định Tuần phủ, Đề đốc Quân vụ kiêm lý lương hướng", phụ trách việc hành chính và hậu cần của công cuộc giữ đất Gia Định.
Di tích lăng mộ Tuần phủ Đỗ Quang ở thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: MINH CHIẾN)
Thế là, trong khi Thống tướng Nguyễn Tri Phương kỳ công xây dựng đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) làm căn cứ ngăn chặn và đánh lại quân Pháp xâm lược bằng quân sự thì Tuần phủ Đỗ Quang - đóng dinh ở Thuận Kiều - vận hành bộ máy hành chính ở Gia Định. Ông huy động lực lượng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là vận động thủ lĩnh các đạo "dân dũng" Trương Định, tham gia công cuộc "Nam Kỳ kháng Pháp" ấy.
Sự hợp tác giữa tuần phủ và thống tướng vào những tháng cuối năm 1860 đã đưa lại hiệu quả tích cực buổi đầu trong việc giữ đất Gia Định, cầm chân và tiêu hao được một số binh lực địch. Thế nhưng, đến khi quân Pháp tập hợp lại và thêm lực lượng, từ ngày 24-2-1861 mở trận đánh lớn vào đại đồn Kỳ Hòa, thì những khó khăn đã xảy ra.
Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ sau 2 ngày đêm chiến đấu oanh liệt nhưng tổn thất lớn. Thống tướng Nguyễn Tri Phương trúng đạn, bị thương. Tướng Nguyễn Duy - em ruột cụ Nguyễn Tri Phương - tử trận. Ngày 29-2-1861, đến lượt Thuận Kiều bị địch đánh chiếm...
Trước tình hình xấu đi rất nhanh, Thống tướng Nguyễn Tri Phương ra lệnh rút toàn bộ lực lượng kháng chiến còn lại về Biên Hòa. Và, Tuần phủ Đỗ Quang đã xuất hiện ngay vào lúc ấy.
Tuần phủ Đỗ Quang níu áo Thống tướng Nguyễn Tri Phương, đòi quay trở lại Gia Định đánh tiếp. Song, cụ Nguyễn Tri Phương đã nói với ông: "Đại đồn mất rồi, ở lại đánh sao được?".
Câu trả lời của Tuần phủ Đỗ Quang bật ra ngay: "Tuy đại đồn có mất nhưng còn đất, còn dân, còn đánh được!".
Câu nói bất hủ của Tuần phủ Đỗ Quang lúc bấy giờ bị chìm đi trong khói lửa và cát bụi chiến trường. Tuy nhiên, câu nói đó đã đi vào và mãi mãi hiện hữu trong những trang sử chiến đấu giữ nước của dân tộc!
Trung tâm phối hợp các phong trào đánh Pháp
Sách "Đỗ Quang - nhà chí sĩ yêu nước, trọng dân" có bài của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp.
Trong sách nêu trên, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã viết:
- Sau các trận Kỳ Hòa và Thuận Kiều, mặc cho Nguyễn Tri Phương rút về Biên Hòa, Đỗ Quang bí mật quay trở lại Gia Định, đóng căn cứ ở huyện Tân Hòa (cách thành Gia Định 30 km về phía Nam), tiếp tục tham gia và chỉ huy đánh giặc giữ đất.
- Trong chiến đấu, thống phó quản cơ Trương Định có tài thao lược và có uy tín cao trong binh sĩ. Đỗ Quang đã thăng Trương Định lên chức quản cơ và gửi sớ tâu về triều đình Huế, xin phong làm phó lãnh binh rồi lãnh binh.
Tên của Tuần phủ Đỗ Quang đã được TP HCM đặt cho một con đường ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức. (Ảnh: HỒ THANH LONG)
- Đỗ Quang chiêu mộ được 6.000 quân, tổ chức thành 6 cơ (mỗi cơ 1.000 quân). Tri phủ Phước Tuy là Nguyễn Thành Úy, tùy phái là Phan Trung, mỗi người mộ được 2 cơ. Sau đó, họ còn tiếp tục mộ thêm, đưa quân số đánh giặc giữ đất dưới sự chỉ huy của Trương Định lên tới 18 cơ.
- Trương Định được tôn làm Bình Tây Đại nguyên soái. Trong khi đó, Đỗ Quang trở thành Đốc biện quân lương - giống như công việc trước đây, khi còn đại đồn Kỳ Hòa - chuyên lo việc quyên góp lương thực, tiền của, nuôi nghĩa quân đánh giặc.
- Đỗ Quang giữ vai trò là chiếc cầu nối giữa triều đình Huế với nghĩa quân, là trung tâm phối hợp các phong trào yêu nước đánh Pháp của những thủ lĩnh: Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng. Khi Đỗ Trình Thoại tử trận, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng bị Pháp bắt và giết, Đỗ Quang đã kịp thời tâu sự việc lên triều đình Huế để ghi công, truy tặng danh hiệu cho các vị thủ lĩnh này.
- Ngày 10-2-1861, Thống quân Bùi Quang Diệu đem quân đánh địch, tiêu diệt được nhiều tên. Phía nghĩa quân có 27 người hy sinh. Đỗ Quang đã lệnh cho Bùi Quang Diệu tổ chức lễ truy điệu. Trong buổi lễ trọng thể đó, bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã vang lên và truyền lại mãi về sau.
- Tháng 3-1862, Quản binh Nguyễn Văn Lịch cùng các phó quản binh Hoàng Khắc Nhượng, Vũ Văn Quang tổ chức trận phục kích ở sông Nhật Tảo, đốt cháy và tiêu diệt tàu Espérance (Hy Vọng) của Pháp. Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang và Tuần phủ Định Tường Đỗ Thúc Tính đồng loạt tâu lên triều đình Huế, xin khen thưởng trọng hậu các chỉ huy và nghĩa quân đã tham gia trận đánh oanh liệt này…
Bài sớ "kinh động cả quỷ thần"
Triều đình Huế của vua Tự Đức lúng túng như gà mắc tóc trong việc đối phó với người Pháp xâm lược ở Nam Kỳ. Ngày 5-6-1862, triều đình Huế đã cam tâm ký hàng ước, cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp.
Theo các điều khoản của hàng ước này, những thủ lĩnh đang oanh liệt đánh giặc, giữ đất ở miền Đông được lệnh điều đi nơi khác; còn nghĩa quân thì phải bãi binh, hạ vũ khí.
Lãnh binh Trương Định bị điều đi giữ chức vụ ở An Giang (có tài liệu nói là bị điều đến Phú Yên); Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang thì bị triệu về Huế. Trong khi đó, Trương Định kiên quyết chống lệnh triều đình, tiếp tục ở lại tại trận, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu.
Tuần phủ Đỗ Quang - đỗ tú tài năm 19 tuổi, cử nhân năm 22 tuổi, tiến sĩ năm 25 tuổi, đều là những học vị Nho học và Nho gia - vì theo tín điều "lấy chữ trung làm đầu" nên đã phải lên đường trở về Huế.
Về đến Huế, thấy có chiếu chỉ của vua Tự Đức quyết định cho làm Tham tri Bộ Hộ, sung chức Tuần phủ Nam Định thì Đỗ Quang kiên quyết từ chối. Trong bài sớ tâu lên vua Tự Đức xin từ quan, ông viết:
"Ngày tôi (rời Gia Định) trở về, kẻ sĩ và nhân dân chật đường đón đợi mà nói rằng: Từ nay cha bỏ con, quân bỏ dân. Quan trở về thì lại làm quan nhưng còn dân thì không được làm dân của triều đình nữa. Tiếng khóc nghẽn đường, tôi cũng phải gạt nước mắt mà ra đi.
Trộm nghĩ: Tôi tầm thường, kém cỏi, không có tài cán gì. Nhưng lâu nay quanh quẩn với dân, vốn không dám nghĩ đến ngày được sống mà trở về. Nay tôi được gọi về, còn nghĩa sĩ, nghĩa dân thì không được về triều đình mà góp sức, góp của nữa, không biết đặt mình vào đâu. Như thế là tôi, trên đã phụ triều đình, dưới thì phụ trăm họ, rõ ràng là không thể chối cãi.
Nếu bây giờ lại nhận chức ở Nam Định thì đối với nhân dân Gia Định biết nói sao đây? Đối với thiên hạ biết nói thế nào đây? Tôi có chút lòng của người biết xấu hổ nên cúi xin (bề trên) tha cho về vườn ruộng, để cho hả cái nỗi phẫn oán của nhân dân và tỏ cho còn giữ được cái liêm sỉ của thần hạ".
Bài sớ được dâng lên, "kinh động cả quỷ thần" - như lời "Thất trảm sớ" của Chu Văn An xưa. Vua Tự Đức chuyên chế, khắc nghiệt là thế mà phải "hạ giọng", cho vời Đỗ Quang vào bệ kiến ở điện Văn Minh rồi phủ dụ: "Trẫm đã biết lòng của ngươi Đỗ Quang rồi. Nên Đỗ Quang ngươi cũng phải hiểu lòng trẫm mà không được như thế!".
Những lời lẽ ấy không thuyết phục được Đỗ Quang. Ông vẫn giữ nguyên tấm lòng vì nước, vì dân mà kiên quyết theo đuổi việc đánh giặc giữ đất cho đến lúc lâm chung ở quê nhà ngày 7-8-1866 (Bính Dần), thọ 60 tuổi.
Gắn bó mật thiết với Nam Kỳ
Là người Bắc Kỳ chính gốc nhưng Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang gắn bó vô cùng mật thiết với sự nghiệp mở đất và giữ đất Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX. Ông đã để lại cho lịch sử và dân tộc rất nhiều việc làm, lời nói sáng ngời các giá trị độc đáo, tuyệt vời. Trong đó, điển hình là câu nói giữa chiến trường đánh và giữ Đại đồn Kỳ Hòa ở Gia Định vào tháng 2-1861.
Bình luận (0)