Võ Duy Dương sinh năm 1827 ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông rất khỏe và giỏi võ, có thể cử được một lúc 5 trái linh bằng sắt, nên được nhân dân xưng tụng là "Ngũ Linh Dương".
Chăm chăm một niềm đánh giặc
Ông có công giúp triều đình Huế tiễu trừ giặc Tàu ô (cướp biển) ở Quảng Nam, được phong chức Thiên Hộ, nên cũng thường được gọi là "Thiên Hộ Dương".
Năm 1857, hưởng ứng chính sách "Đồn điền" (khai hoang lập ấp ở Nam Kỳ) được triều đình Huế giao cho tướng Nguyễn Tri Phương thực hiện, Võ Duy Dương - lúc này ở tuổi vừa 30 - đã vượt biển, vào định cư ở đất Ba Giồng (nay thuộc địa bàn các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, giáp với vùng Đồng Tháp Mười) giỏi làm ăn sinh sống, nên nhanh chóng trở thành hào phú trong miền.
Người dân thắp hương tưởng nhớ Thiên Hộ Dương tại đền thờ ông ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.(Ảnh: VĨNH KỲ)
Tháng 2-1859, thực dân Pháp tiến đánh thành Gia Định. Võ Duy Dương đã đứng ra chiêu mộ "dân dõng" địa phương, kéo đến đánh trả, lập được nhiều chiến công, nên được phong làm Chánh quản đạo.
Thành Gia Định bị vỡ, ông vượt biển ra Huế, bái yết vua Tự Đức, hiến kế đánh đuổi quân Pháp và tạm nhận việc tiễu phỉ ở Quảng Nam, để được phong chức Thiên Hộ vào năm 1860.
Lẽ ra, chức Thiên Hộ phải được xếp vào trật Chánh thất (trên thang bậc Cửu phẩm của quan chức triều đình) nhưng Võ Duy Dương chỉ được xếp vào trật Chánh bát phẩm, là trật của chức "Bách Hộ" (dưới Thiên Hộ một bậc). Tuy nhiên, không hề lấy thế làm điều, Chánh bát phẩm Thiên Hộ Dương chỉ chăm chăm một niềm đánh giặc giữ đất mà thôi. Vì thế, vào tháng 5-1861, có lệnh triều đình Huế cho sung vào phái bộ của Khâm phái Quân vụ Đỗ Thúc Tỉnh đi Nam Kỳ lo liệu công việc, ông lập tức hăng hái lên đường trở lại chiến trường ngay.
Được nhân dân miền đất lập nghiệp của ông từ trước đấy hưởng ứng, Võ Duy Dương chỉ trong một thời gian ngắn đã chiêu mộ được hàng ngàn dân binh. Lập căn cứ ở Bình Cách (nay thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), bắt liên lạc với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa (tức Phủ Cậu) ở Thuộc Nhiêu, hình thành một tuyến trận đánh Pháp, kéo dài từ Gò Công qua Bình Cách, tới Thuộc Nhiêu, bao gồm cả Mỹ Quới, Cai Lậy, Cái Bè… khiến giặc phải đối phó rất vất vả.
Trong vòng 2 năm, từ 1862 đến 1863, nghĩa quân Võ Duy Dương phối hợp với các cánh nghĩa quân khác đã đánh thắng Pháp nhiều trận, đặc biệt là cuộc đồng loạt tấn công ngày 28-1-1862 đã khiến Pháp phải rút bỏ nhiều đồn trại ở Gò Công, Chợ Gạo, Tân An, Gia Thạnh, Cần Giuộc, Cái Bè…
Nhưng chính vào lúc đó, triều đình Huế lại đã nhu nhược ký "Hàng ước 1862" với Pháp, "nhường" cho Pháp 3 tỉnh miền Đông và không những thế còn ra lệnh cho nghĩa quân phải ngừng chiến đấu, đồng thời điều các thủ lĩnh nghĩa quân ra khỏi chiến trường đi nơi khác "làm nhiệm vụ".
Võ Duy Dương, Trương Định là những người kiên quyết kháng mệnh triều đình, ở lại chiến trường, tiếp tục đánh giặc giữ đất. Những trận đánh lớn tiếp tục nổ ra, đặc biệt là vào đêm 17 rạng ngày 18-12-1862, ở Thuộc Nhiêu, khiến chỉ huy quân giặc phải thốt lên: Đây là một "vụ nghiêm trọng" khi có đến "1.200 quân phản nghịch đã - trong đêm - lao vào tấn công, cuồng nhiệt một cách mù quáng, dường như đã nhận được lệnh là phải đánh bật chúng ta ra khỏi Thuộc Nhiêu hoặc là họ phải chết dưới chân tường đồn"!
Nhưng rồi thì "Hàng ước 1862" cộng với những thủ đoạn của quân Pháp, cuối cùng cũng đã gây ra những khó khăn ngày một lớn cho phía nghĩa quân. Trương Định bị đánh bật ra khỏi căn cứ Tân Hòa, và/rồi hy sinh vào năm 1864. Còn Võ Duy Dương thì phải rút khỏi Bình Cách, về cố thủ ở khu vực Xoài Tư, rạch Cây Gáo, rạch Ruộng… (nay thuộc các xã Mỹ Thạnh Nam, Mỹ Thạnh Bắc - Cai Lậy và Hậu Mỹ Bắc, Hậu Mỹ Nam - Cái Bè) trên ngưỡng cửa vào Đồng Tháp Mười.
Đưa lực lượng vào Đồng Tháp Mười
Ngày ấy, Đồng Tháp Mười là một vùng trũng, sình lầy, ngập nước, mênh mông đến 700.000 ha, um tùm lau sậy, nhung nhúc rắn rết, muỗi, đỉa vây quanh mấy khu gò giồng hoang cô độc, mang các tên: gò Bắc Chiêng, gò Giồng Dung, giồng Sa Rây và đặc biệt là gò Tháp - với dấu tích điêu tàn của một tòa tháp 10 tầng, để lại từ thời vương quốc Phù Nam tự ngàn xưa.
Không có đường ra vào, ngoại trừ một con kênh Tranh Giang (tức Rạch Chanh - đào vào năm 1815), nên xây dựng căn cứ thủ hiểm ở đây chính là một điều lý tưởng.
Cuối năm 1864, Võ Duy Dương - với sự giúp đỡ của Đốc binh Kiều (tức người giữ chức Đốc binh tên Nguyễn Tấn Kiều) - quyết định đưa lực lượng vào trong Đồng Tháp Mười, xây dựng căn cứ.
Đặt tổng hành dinh ở Gò Tháp (nay thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), trước hết, Võ Duy Dương cho mở nhiều con đường mòn - gọi là "đường gạo" - để vận chuyển lương thực, tiếp tế cho căn cứ. Ở đầu mỗi đường mòn, đặt một đồn binh để canh giữ như: đồn Tiền ở trên gò Bái Liếp, án ngữ con đường từ Cái Nứa vào; đồn Tả ở trên gò Giông Dung, khống chế con đường từ Mộc Hóa sang; đồn Hữu trên gò Động Cát, canh giữ con đường từ Cân Lố tới… Ngoài ra, nhiều đồn binh nữa, cũng được xây dựng quanh/và trong miền như: đồn Ổ Bíp, đồn Sa Tiên, đồn Ấp Lý, đồn Doi…
Lực lượng nghĩa quân được tập hợp lại, dần dà đông đúc đến trên 10.000 người. Sau gần một năm "Tức kỳ yểm cổ" (im cờ giấu trống), Võ Duy Dương bắt đầu tung quân từ căn cứ Đồng Tháp Mười ra tấn công giặc Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Quới…, đặc biệt là ngày 22-7-1865, phá đồn Mỹ Trà, gây cho địch nhiều tổn thất.
Đối phó với những hoạt động của nghĩa quân Đồng Tháp Mười, vào tháng 11-1865, phía Pháp gây áp lực với Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản, buộc họ Phan phải "giải quyết vấn đề Võ Duy Dương", khiến sau đấy triều đình Huế phải ra chỉ dụ yêu cầu nghĩa quân ngừng hoạt động, cấm dân chúng không được tiếp tế, chứa chấp nghĩa quân.
Mặt khác, vào tháng 4-1866, giặc huy động đại binh, chia ba mũi, mở cuộc tấn công tổng lực vào Đồng Tháp Mười.
Sau 10 ngày quần thảo với giặc bằng đủ mọi cách đánh trận (như - theo truyền thuyết - ém đàn trâu cả trăm con dưới nước, chờ giặc tới thì bùng lên, dùng sừng nhọn mà húc hoặc thả loại ong cực độc cho đốt chết lính giặc…), đặc biệt là ở trận Đồn Tả (ngày 16-4-1866) - theo tài liệu của Pháp: Có đến 350 nghĩa quân và 40 khẩu đại bác tham chiến, làm chết và bị thương 2 tiểu đội lính Pháp… Cuối cùng, Võ Duy Dương quyết định: Bỏ căn cứ Đồng Tháp Mười, cho nghĩa quân rút ra ngoài, chỉ để lại Đốc binh Kiều, hy sinh khi chẹn đường truy kích của giặc.
Sống mãi trong lòng dân
"Chiều chiều mây giục gió vần
Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời"
Đó là câu ca dao lưu truyền ở Đồng Tháp, nói về chung cuộc của Võ Duy Dương, sau ngày rút quân ra khỏi căn cứ Đồng Tháp Mười.
Người anh hùng của cuộc "Nam Kỳ kháng Pháp" còn có 6 tháng - từ tháng 4 đến tháng 10-1866 - để tiếp tục hoạt động đánh giặc giữ đất, liên kết với thủ lĩnh Trương Tuệ (tức Trương Quyền) là con của Bình Tây Nguyên Soái Trương Định và Thủ lĩnh A Soa (người Campuchia) ở vùng biên giới giữa hai nước Việt - Miên.
Sau đó thì những thông tin khác nhau dồn dập đến. Chính sử triều Nguyễn - sách "Đại Nam thực lục, chính biên" - chép: "Bọn Võ Duy Dương nên cho ra đầu thú, dồn đi khai khẩn. Sắc cho tuần phủ Bình Thuận, Khánh Hòa, hễ thấy tên Dương, tên Tuệ thì đem đổi tên, cấp cho ngựa trạm về Kinh đô, phái đi nơi khác, cho hết điều tiếng (với người Pháp)".
Như vậy là triều đình có chủ trương - chiều theo ý của Pháp - gọi Thiên Hộ Dương về Huế qua đường Bình Thuận, Khánh Hòa. Và dường như Võ Duy Dương đã chấp nhận điều này, với ý định: Sẽ về Huế để tiếp tục dâng kế sách đánh Pháp, lấy lại đất Nam Kỳ (bởi vì tài liệu của Pháp cho biết có tìm được 2 văn bản tấu nghị của Thiên Hộ Dương về việc này).
Nhưng bất ngờ và không may - vẫn theo lời sách "Đại Nam thực lục": "Duy Dương đi thuyền về tỉnh Bình Thuận đầu thú, gặp gió, bị đắm ở phần biển Thần Mẫu (tức Cần Giờ)"!
Bấy giờ là tháng 10-1866. Võ Duy Dương mất, lúc mới 39 tuổi.
Nhưng thủ lĩnh "Nam Kỳ kháng Pháp" ở căn cứ Đồng Tháp Mười vẫn vẻ vang mà sống mãi trong lòng dân, như thấy nói rõ ở đôi câu đối tại ngôi đền thờ ông (và Đốc binh Kiều), liền đấy đã mọc lên, ngay chính nơi đã đóng đại bản doanh của ông:
"Sử sách sáng chói danh Thiên Hộ
Bia miệng lưu truyền tiếng Đốc Binh"!
Bình luận (0)