Với nghệ thuật "vừa đánh vừa đàm", cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một quả đấm thép mở đầu cho quá trình đàm phán trên thế mạnh, buộc địch từng bước chấp nhận những điều khoản do chúng ta đưa ra, đặt bút ký vào Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.
Mở ra khả năng mới trên chiến trường
Đã 55 năm, thời gian càng lùi xa càng làm sáng tỏ tầm vóc, ý nghĩa, bài học lịch sử của bản anh hùng ca Mậu Thân. Nếu không có Mậu Thân 1968, sẽ khó có thắng lợi trọn vẹn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Từ thực tế chiến trường, sau thắng lợi 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, khả năng giành thắng lợi lớn hơn xuất hiện, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chủ trương Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa. Với tương quan lực lượng không cân sức, bấy giờ quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn có trong tay hơn 1,3 triệu quân, còn bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương của ta có 270.000 người trên chiến trường miền Nam.
Học sinh các trường trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM tham quan, tìm hiểu về Khu Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968. (Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG)
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã nổ ra ngay đêm giao thừa. Chỉ trong 24 giờ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của địch đều bị tiến công, làm thế trận đôi bên đảo ngược. Ta đã tấn công bất ngờ và đồng loạt ở 4/6 thành phố lớn, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, 30 sân bay và hàng trăm cơ sở hậu cần với nhiều tổng kho lớn… Tại Sài Gòn - chiến trường chủ yếu - ta đã có những trận đánh gây chấn động như đánh vào Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh Sài Gòn... Ở Huế, ta đã làm chủ TP Huế 25 ngày đêm. Đây là cuộc tiến công mà ngay cả cơ quan tình báo của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ cũng bị bất ngờ và khó hiểu.
Bão táp Mậu Thân đã làm thiệt hại một bộ phận sinh lực, phá hủy một khối lượng quan trọng các phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần hiện đại nhất của địch. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam mà cả ngay trong lòng nước Mỹ, như một cú sốc, làm thức tỉnh người Mỹ, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Mỹ và trên thế giới. Sự kiện "Xuân Mậu Thân" như một phép thử, dù ta chưa đủ sức đánh bại quân Mỹ nhưng đủ sức đánh bại ý chí xâm lược của họ và mở ra khả năng mới trên chiến trường.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang, rút dần ra khỏi cuộc chiến bằng "Việt Nam hóa chiến tranh", chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Từ hội nghị hai bên đến hội nghị bốn bên, có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân đã thể hiện sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam. Đó là sức mạnh của đường lối, chủ trương đúng đắn, táo bạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Trung ương Cục miền Nam. Đó là sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam - sức mạnh đấu tranh quân sự, chính trị ngoại giao, kết hợp "2 chân, 3 mũi, 3 vùng chiến lược". Đó còn là sức mạnh của 3 nước Đông Dương liên minh chống Mỹ, của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ.
Bài học lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là biết dựa vào dân, dựa vào tai mắt, sự gan dạ, sáng tạo của dân. Dựa vào căn cứ lòng dân, các lực lượng đã đột nhập, ém quân vào thành phố cùng với sự phối hợp của lực lượng tại chỗ, sẵn sàng cho giờ nổ súng. Ngay tại Sài Gòn, ta đã xây dựng được nhiều cơ sở bên trong, với 19 lõm chính trị, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân. Khi nổ súng, các lực lượng tinh nhuệ xung trận tại các vị trí hiểm yếu - được cho là hậu phương an toàn nhất của địch. Lòng tin quyết thắng, sự dũng cảm hy sinh của chiến sĩ, đồng bào đã làm nên khí phách Mậu Thân.
Chống lại một đạo quân thiện chiến, có sức mạnh quân sự khổng lồ, với phương tiện tối tân hiện đại, hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, nhân dân ta phải trả giá không ít máu xương và tổn thất. Chúng ta chiến thắng không phải đối phương yếu kém mà chúng ta có sức mạnh của chính nghĩa, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân. Xuân Mậu Thân 1968 là biểu tượng anh hùng của nhân dân, của người chiến sĩ cách mạng. Xương máu của các anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã dựng nên một tượng đài bất tử - một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân, đã đánh đuổi được quân Mỹ, chuẩn bị tư tưởng, lực lượng, dọn đường cho chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Ở trận thắng cuối cùng này, ta đã có tương quan lực lượng quân sự khác trước, đã huy động được sức mạnh nhân dân, giành chính quyền về tay nhân dân, một chiến thắng trọn vẹn, như một cuộc tiếp quản ít đổ máu xương.
Tạo nên cục diện mới, thời cơ mới
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đi vào lịch sử như một biểu tượng của khí phách Việt Nam. Đây được xem là cuộc tấn công táo bạo nhất, làm rung chuyển các đô thị toàn miền Nam, tạo nên bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện xuân Mậu Thân buộc hơn 50 vạn quân Mỹ, 66.000 quân đồng minh phải rút khỏi Việt Nam. Kết quả chiến đấu ở chiến trường từ cột mốc Mậu Thân là nhân tố chủ yếu quyết định diễn biến chính trị và ngoại giao, tạo nên cục diện mới, thời cơ mới.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)