Trước đó, cũng ở Hà Nội, ngày 13-5, xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà 24 phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông làm 4 người thiệt mạng.
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07) - Bộ Công an, trong năm 2023, cả nước xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người; trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.555 vụ cháy, nổ, làm 28 người chết và 26 người bị thương, thiệt hại ước tính 89,8 tỉ đồng. Trong số các vụ cháy, cháy nhà dân vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất. Về nguyên nhân, có 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 340 vụ do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Các vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn gần đây lại đặt ra góc nhìn hiện trạng nhà ở và các mối nguy về hỏa hoạn tại các đô thị. Đa số là những vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà cho thuê, nhà nhiều căn hộ, chung cư mini. Trong đó, cơ quan chức năng đặc biệt nhấn mạnh đến mối nguy từ loại hình nhà "2 trong 1" và "3 trong 1". Nhà "2 trong 1" là nhà ở kiêm chỗ bán hàng. Hàng bày bán ngay trong nhà, nhiều chỗ chất hàng chật cứng. Nhà "3 trong 1" là nhà ở kiêm chỗ bán hàng và cũng là nơi sản xuất - nhà kho. Những căn nhà này khi xảy ra hỏa hoạn rất khó cứu hộ cứu nạn vì hàng hóa bít kín lối đi; những vật dụng dễ cháy lại có mùi rất độc (như nhựa, vải), khiến nạn nhân dễ ngất xỉu, không còn đủ sức tìm lối thoát thân…
Một đặc trưng phổ biến của nhà ở đô thị tại nước ta là nhà hình ống, ít nhà có giếng trời và cửa hậu thoát hiểm. Thậm chí, do muốn mở rộng diện tích nhà ở và đề phòng trộm cắp mà nhiều nhà làm thêm các tum hoặc khu vực sân thượng và các cửa sổ đều được hàn kín thành các "chuồng cọp". Các thiết kế này gây rất nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn. Hậu quả thường khiến các nạn nhân tử vong do ngạt khói và khí độc…
Việc thay đổi thiết kế nhà ở là do tâm lý phòng trộm hơn phòng cháy và nghĩ đến mối lo trước mắt, song khi hỏa hoạn xảy ra thì mất cả tính mạng và tài sản. Dĩ nhiên ai cũng biết tính mạng con người là quý nhất, song đời sống con người phải đối diện nỗi lo mất mát tài sản, do đó cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay với bọn trộm cắp để người dân yên tâm, không phải đối phó bằng cách làm "chuồng cọp" nhằm ngăn ngừa, để rồi thiệt mạng oan uổng.
Với các nhà "2 trong 1", "3 trong 1", cần tuyên truyền và giám sát chặt chẽ việc PCCC, bằng mọi giá phải có lối thoát hiểm và các gia chủ phải hết sức tự giác, chủ động phòng ngừa. Khi có biểu hiện vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm để nhằm hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Bởi khi hỏa hoạn xảy ra, thiệt hại không có gì bù đắp nổi; mọi tiếc nuối, ân hận đều đã muộn màng.
Bình luận (0)