Theo Daily Mail, một nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (Mỹ) chỉ ra stress đã khiến các con chuột thí nghiệm bị ung thư có tỉ lệ di căn cao hơn 2-4 lần so với nhóm đối chứng.
Phân tích sâu hơn, họ nhận thấy tình trạng stress mãn tính dẫn đến sự hình thành thêm các mạng lưới tế bào bạch cầu trung tính - một cơ chế cũng thường gặp khi nhiễm trùng hay bị thương.
Nhưng khi bị ung thư, sự hình thành quá mức các mạng lưới này lại tạo điều kiện cho bệnh dễ dàng lan tỏa, xâm chiếm các mô hơn.
Ngoài ra, căng thẳng cũng tác động theo nhiều cách đến hệ miễn dịch, chẳng hạn ngăn chặn hoạt động của một số tế bào miễn dịch quan trọng như tế bào T và tế bào "sát thủ" tự nhiên - những thứ có vai trò quan trọng trong việc chống lại ung thư.
Tình trạng này cũng khiến phổi dễ trở thành mục tiêu của ung thư di căn.
Không chỉ vậy, hormone gây stress mang tên corticosterone thúc đẩy bệnh ung thư trở nên "hung hăng" hơn, lây lan nhanh chóng và gây các tổn thương trong phổi các con chuột thí nghiệm.
Stress cũng gây tích tụ nhiều protein fibronectin, giúp thúc đẩy sự xâm lấn của các tế bào khối u và làm giảm tế bào T.
Yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các cơ chế nói trên vẫn là sự hình thành NET - một mạng lưới DNA và protein được tạo ra khi trong máu có quá nhiều bạch cầu trung tính.
Mạng này vốn có chức năng bẫy các mầm bệnh xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, virus, song trong trường hợp được hình thành do stress ở bệnh nhân ung thư, nó lại thúc đẩy di căn, nhất là di căn phổi.
Các thí nghiệm tiếp theo bằng một loại thuốc phá vỡ NET cho thấy quá trình di căn dường như bị chững lại nếu mạng lưới này không được hình thành do stress.
Do vậy, các loại thuốc nhắm mục tiêu vào NET nhằm thay đổi môi trường xung quanh khối u có thể hứa hẹn giúp chống lại sự di căn của căn bệnh chết người này.
Hơn nữa, nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của việc can thiệp tâm lý và hỗ trợ bệnh nhân ung thư cải thiện đời sống tinh thần.
Hầu hết mọi người đều bị stress nặng khi đối diện căn bệnh tử thần này nhưng nhiều quan sát cho thấy tinh thần lạc quan, ý chí cao thường liên quan đến kết quả điều trị tích cực hơn.
Nghiên cứu mới này góp phần chứng minh những cơ chế sâu xa mà sức khỏe tâm thần có thể tác động đến bệnh ung thư. "Giảm căng thẳng phải là một phần của việc điều trị và phòng ngừa ung thư" - GS Linda Van Aelst, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.
Bình luận (0)