Tuy nhiên, kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 2,29 điểm (tương đương 0,18%), lên 1.284 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt trên 124.049 tỉ đồng, giảm 18,3% so với tuần trước.
Một trong những nguyên nhân có thể đến từ việc công ty chứng khoán VNDIRECT mất kết nối với các sở giao dịch HOSE và HNX kể từ đầu tuần.
Tuần qua, thị trường đón nhận tin vui khi FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).
Tốp 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất
Trên sàn HOSE, cổ phiếu SVD đứng đầu trong danh sách tốp 5 cổ phiếu tăng giá trong tuần qua khi 5 phiên liên tiếp đều "tím", tăng 38,8%. Đứng sau là các cổ phiếu VCF (26,3%), VRC (24,3%), QCG (23,5%), CLW (14,6%).
Sau khi tăng trần liên tiếp 5 phiên, HOSE đã có văn bản yêu cầu SVD giải trình về việc này. Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 259 tỉ đồng, tuy nhiên với giá vốn lên đến 277 tỉ đồng khiến lợi nhuận gộp âm 18 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, SVD ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 36 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm hơn 2 tỉ đồng.
Tính đến ngày 31-12-2023, tổng nợ phải trả của SVD là 152 tỉ đồng trong đó nợ ngắn hạn 107 tỉ đồng (chiếm 70%). Nợ dài hạn hơn 45 tỉ đồng (100% là vay và nợ thuê tài chính).
Đáng chú ý, ghi nhận trên thị trường, cổ phiếu này hiện tại vẫn chưa có thông tin nào có lợi khiến cho thị giá tăng mạnh trong tuần.
Trong khi đó, cổ phiếu VCF (hiện có giá 240.000 đồng/cổ phiếu) tăng giá mạnh sau khi HĐQT của công ty công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên trong đó có nội dung về phân phối lợi nhuận sau thuế.
Theo đó, VCF cho biết hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.603 tỉ đồng. Công ty dự kiến không trích quỹ khen thưởng phúc lợi mà sẽ chia cổ tức năm 2023 với tỉ lệ 250% (tức mỗi cổ phiếu nhận 25.000 đồng).
Thời gian chi trả là trong vòng 6 tháng kể từ ngày được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Với hơn 26,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường, ước tính VCF sẽ chi 664 tỉ đồng để trả cổ tức.
Tốp 5 cổ phiếu giảm mạnh nhất
Ở chiều ngược lại, tốp 5 cổ phiếu giảm giá nhiều nhất trong tuần, đầu bảng là cổ phiếu RDP khi giảm đến 18,3%, theo sau đó là cổ phiếu AGM (giảm 16,6%), HU1 (giảm 11,2%), SRC (giảm 11,1%), APC (giảm 11%).
Đà lao dốc của RDP có thể liên quan đến việc ông Trần Minh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Rạng Đông Holding (mã chứng khoán RDP), đã đăng ký bán toàn bộ 80.604 cổ phiếu từ ngày 27-3 đến 25-4 bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Mục đích là để cơ cấu danh mục đầu tư.
Thêm nữa là, RDP vừa có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xin gia hạn nộp báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2023 đến ngày 27-4.
Nguyên nhân trước đó do RDP đưa ra là do công ty và tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN) vẫn đang trong quá trình làm việc và cung cấp hồ sơ, dẫn đến khả năng không thể chốt được báo cáo kiểm toán đúng thời hạn theo quy định.
Năm 2023, RDP báo cáo kết quả lợi nhuận sau thuế chưa kiểm toán 26 tỉ đồng, tăng gấp đôi so kết quả đã kiểm toán của năm ngoái là 13 tỉ đồng.
Đứng sau là cổ phiếu AGM, nguyên nhân giảm mạnh là do cổ phiếu này vừa bị HOSE đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 5-4 vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022, 2023) của tổ chức niêm yết là số âm. Cụ thể, năm 2022 âm 234 tỉ đồng và năm 2023 âm 215 tỉ đồng.
Hiện có phiếu AGM đang ở mức 6.710 đồng/cổ phiếu.
Bình luận (0)