xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà máy thông minh: Làm đâu dễ!

LÊ TỈNH

Chính sách hỗ trợ mô hình nhà máy sản xuất thông minh đã có, quan trọng hơn cả là cần sự quyết tâm chuyển đổi của mỗi doanh nghiệp

Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, quy mô thị trường sản xuất thông minh toàn cầu dự kiến đạt 304,51 tỉ USD năm 2024 và tăng lên 1.343 tỉ USD vào năm 2034, tốc độ tăng trưởng 16%/năm. Để phát triển bền vững, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này song còn nhiều rào cản phải vượt qua.

Chi phí "khủng"

Ông Phan Tiến Đạt, CEO Công ty CP Dây cáp điện Lucky Star, cho biết doanh nghiệp (DN) rất muốn chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, ứng dụng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata... Tuy nhiên, hiện DN mới dừng ở công nghệ 2.0 - gồm tự động hóa quy trình ủ, dán tem nhãn, vận chuyển hàng lên kệ bằng robot... - và đang từng bước nâng cấp lên mức 3.0. "Bên cạnh nguyên nhân do nhận thức và trình độ của đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu thì chi phí chuyển đổi cũng rất lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, rủi ro khó hoàn vốn rất cao, ước tính 70%-80%" - ông Đạt nêu thực tế.

Theo ông Nguyễn Huy Thanh, Giám đốc sản xuất một DN may mặc tại TP HCM, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho nhà máy chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cũng như chưa đưa ra giải pháp phù hợp với hoạt động của DN. Hậu quả là khi đưa vào vận hành, nhân sự các phòng, ban bị lúng túng, gây mất thời gian hơn cách làm truyền thống. "Chi phí đầu tư ban đầu đối với các thiết bị hiện đại như robot vận chuyển cao hơn 100 - 200 lần so với chi phí sử dụng nhân công nên sau khi tính toán, ban giám đốc không mặn mà triển khai. Chưa kể, hệ thống quản lý có sẵn lại không tương thích với công nghệ mới nên bắt buộc DN phải đầu tư lại" - ông Thanh phân tích.

Bên cạnh đó, các DN còn lo ngại vấn đề bảo mật thông tin khi công nghệ mới đòi hỏi thu thập tất cả dữ liệu để tự động hóa các quy trình. Trong khi đó, nền tảng công nghệ và năng lực của nhà cung cấp trong nước chưa cao, khó đánh giá được lợi ích từ sớm do các công nghệ quá mới.

Doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, giải pháp để chuyển đổi mô hình nhà máy thông minh Ảnh: LÊ QUANG

Doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, giải pháp để chuyển đổi mô hình nhà máy thông minh Ảnh: LÊ QUANG

Tránh "cưỡi ngựa xem hoa"

PGS-TS Thoại Nam, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành thuộc Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP HCM, chỉ rõ không chỉ thiếu hụt nhân lực có trình độ, vốn, DN còn thiếu dữ liệu theo thời gian thực nên gặp khó khi chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh. Cũng theo PGS-TS Thoại Nam, nhà nước cần ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ chuyển đổi để DN biết vị trí của mình ở đâu trên thị trường, từ đó có áp lực tự chuyển đổi. "Cần sớm triển khai số hóa quy trình vận hành, tối ưu hóa tài nguyên và áp dụng công nghệ AI, IoT... để cải thiện hiệu suất của DN" - PGS-TS Thoại Nam góp ý.

Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động, DN cần nhận diện rõ lợi ích từ việc chuyển đổi số, đó là giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh, từ đó mạnh dạn bố trí tài chính để thực hiện. Đội ngũ nhân sự phải được tham gia vào từng dự án, công đoạn cụ thể để hiểu sâu, hiểu đúng các công nghệ mới, không xảy ra tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa", gây lúng túng và thậm chí gián đoạn sản xuất. "Cơ quan quản lý nhà nước cần đóng vai trò "chim mồi" để hỗ trợ một vài dự án. Khi dự án thành công thì mức độ hưởng ứng của cộng đồng DN sẽ rất lớn vì bất cứ người lãnh đạo DN nào trước hết cũng nhìn vào sự hiệu quả" - ông Toàn đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết hiện nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ tài chính cho mô hình DN thông minh. Sự quyết tâm của DN chính là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi này. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, thiết bị thông minh cần đưa ra giải pháp phù hợp với DN hơn, thông qua khảo sát từng mô hình sản xuất - kinh doanh, thay vì đi với DN theo kiểu "hai đường thẳng song song" dẫn đến không đạt được mục đích chung.

Tại một hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cũng thông tin thành phố đã có chính sách hỗ trợ đối với những dự án đầu tư vào các ngành công nghệ cao, thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế - giáo dục, hạ tầng kinh tế... với mức vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án. 

Cần chiến lược rõ ràng

Theo ông Nguyễn Đình Quý, Trưởng Phòng Kỹ thuật Nhà máy Unilever Củ Chi, bước đầu DN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi rõ ràng và đánh giá khả năng của mình đã đáp ứng các tiêu chí như nguồn vốn, quy mô, nhân lực trong chuyển đổi mô hình hay chưa. Sau đó, tìm giải pháp phù hợp và phải quyết liệt thực hiện. Đó là quy trình giúp DN chuyển đổi thành công nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo