Từ ngày 27-2, nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can đã bắt đầu cuộc sống ở ngôi nhà mới dành cho các nghệ sĩ lão thành tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè TP HCM.
Không bao giờ ngừng suy tư
Trong căn phòng mới của mình, ông đã treo ở cửa sổ bức ảnh quảng bá bộ phim "Cải ơi" dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ông nói vui, tài sản duy nhất và quý giá nhất của ông hiện nay là cái laptop, nó theo ông từ nhà cũ sang nhà mới. Bên trong nó là sự sống của tâm hồn ông.
"Không bao giờ để một ngày trôi qua vô nghĩa, đừng bao giờ ngừng suy tư. Đó là hai nguyên tắc sống của tôi. Nên ngày đầu sang nhà mới, tôi đã khai bút bằng cách mở máy làm việc từ 4 giờ sáng, cho tới khi nhân viên của Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè vào đưa một bảng danh sách điểm tâm, nào phở, hủ tiếu, bún chả cá, bánh mì ốp la…Mình thích ăn gì thì chỉ, 10 phút có ngay bữa ăn sáng. Giờ sung sướng lắm, ngày 3 bữa ăn, mệt thì ngủ, và cứ thế dành hết thời gian với cái laptop này" - ông kể giọng khôi hài.
Rồi ông lại miên man nói về 2 truyện ngắn "Say nắng" và "Cạn tình". Ông cho rằng ở mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ có những suy nghĩ khác nhau, nếu thiếu kiểm soát có thể dẫn đến sai lầm. Tác phẩm "Say nắng" là câu chuyện phản ánh về góc độ tuổi tác, sự rung động của con tim khiến chúng ta có cách nhìn và cách nghĩ khác nhau về tình yêu.
"Mỗi người đều có quan điểm và giải pháp riêng cho cuộc sống nhưng con tim thì hiếm khi "bắt buộc" được nó. Tôi viết "Say nắng" ở lứa tuổi này mong người đọc suy ngẫm về việc cần thay đổi góc nhìn để hiểu rõ đối phương và thế giới xung quanh. Tuổi già cũng có tình yêu, nó sẽ làm trẻ hóa trái tim mình" - nhà văn bộc bạch.
Cần có sự khác biệt trong sáng tạo
Nhắc đến sáng tác "Cạn tình", ông cho rằng mình viết để gửi gắm đến người trẻ hôm nay sống phải có trước có sau. Ông quan tâm đến những ngòi bút trẻ gần đây xuất hiện trên văn đàn, tạo luồng gió mới cho văn chương TP HCM. "Tôi rất thích các cuộc thi sáng tác của Báo Người Lao Động như "Lòng tốt quanh ta", "Người thầy thuốc trong tôi"… Những chủ đề này dung dị, đúng đối tượng của tờ báo" - ông tấm tắc khen.
Ông trải lòng, bây giờ công nghệ phát tiết quá "đỉnh", chỉ cần "chạm" nhẹ là có tất cả. Nhưng gì thì gì cũng đừng "cạn tình" với quá khứ, dù nó cũ kỹ nhưng là truyền thống. Chỉ nên đổi mới để nó phục vụ cho đời sống, cần giữ lại những gì đáng giữ, đó là tình cảm.
Để không bị cho là lạc hậu, ông luôn tư duy tiếp cận cái mới nhất, tiến bộ nhất. Luôn suy tư tìm cách viết để có sự khác biệt, những điều mà người khác không chú ý hoặc chưa chú ý ông sẽ tìm cách khai thác nó, biến thành con chữ trong sáng tác của mình.
"Bây giờ ở tuổi này mà nói vẫn cần phải tăng cường học tập và rèn luyện bản thân, nghe có vẻ hơi "quá". Nhưng với tôi đó là sự thật. Nè nhé, hổm nay dọn về nơi ở mới, nhiều nghệ sĩ vô thăm, tôi đã trò chuyện với họ và thấy ai cũng tất bật với những công việc hết sức ý nghĩa. Nào là chị Kim Cương đang lo chạy chỗ tiếp nhận hàng gia công cho các cháu là học viên Trung tâm Dạy nghề trẻ em khuyết tật; chị Mỹ Chi đang lo cho một nhóm bạn diễn viên trẻ làm vở hài mà chị cố vấn; chị Phượng Loan thì lo vun vén cho hoạt động của chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ ở Gò Vấp… Đây là tăng cường học tập và rèn luyện bản thân chứ còn gì nữa. Mỗi người một việc, đều là những công việc góp phần truyền năng lượng tích cực cho cuộc sống" - nhà văn Mạc Can chia sẻ.
Nhà văn Mạc Can cho biết 1, 2 ngày nữa sẽ gửi bản thảo truyện ngắn "Say nắng" và "Cạn tình" đến nhà xuất bản. Ông nói đã hứa với lòng rằng phải luôn say mê công việc và tận tâm với công việc vì có như vậy làm việc mới có hiệu quả!
Bình luận (0)