Phóng viên: Hồi thập niên 80 thế kỷ trước, ông được khán giả, từ trẻ em cho đến người già, yêu mến bởi sự đa tài, duyên dáng và hài hước. Đóng phim, ảo thuật, viết sách, viết kịch bản..., ông thích lĩnh vực nào nhất?
- Nghệ sĩ MẠC CAN: "Rằng tham thì phải tham khôn, đừng nên dại dột tham luôn chữ ngờ". Ở đời đâu ai tránh được chữ ngờ, tức là hiểu ở góc độ làm nghệ thuật, cứ tin rằng mình sẽ giỏi nhưng rồi nếm thất bại. Xâu chuỗi lại những lĩnh vực tôi tham gia đều có mối liên kết bền bỉ với nhau. Cái này bổ sung cho cái kia đặng kiếm cơm một cách lương thiện.
Từ một diễn viên hề gánh hát rong ở miền Tây rồi lấn sân sang phim với gần cả trăm vai phụ, ông nhớ điều gì nhất?
- Ngày xưa, cha của tôi là ông bầu của gánh hát gia đình sống lênh đênh sông nước mà ông thường gọi là ghe hát. "Cuộc đời gạo chợ nước sông, ghe trôi tứ xứ chở bao phận đời". Trên chiếc ghe đó, tôi đã ước mơ được làm nghệ sĩ, được đổi đời với một sân khấu, một cơ ngơi đàng hoàng. Tôi không theo trường lớp nào mà chỉ học lóm từ cha, nắm bắt cách thức rồi diễn theo.
Sài Gòn thời đó có 3 gánh xiếc là Lê Văn Quý, Đại Bàng và Việt Tiến, cạnh tranh hết sức lành mạnh, hễ ông này ra trò hay là ông kia buộc phải tìm tòi cái mới. Ngoài diễn xiếc, cha tôi dạy cả ảo thuật, biến hóa nhiều tiết mục đặc sắc. Có lần tôi bị đòn vì "lật tẩy" phần diễn của cha, ông đánh mà nước mắt chảy dài, nói con đùa nghịch như vậy thì lấy cơm đâu mà ăn. Lớn lên, tôi mới hiểu rõ vị mặn của giọt nước mắt đó.
Nghệ sĩ Mạc Can luôn lạc quan với cuộc sống. (Ảnh: HOÀNG THUẬN)
Xuất thân trong gia đình nghệ thuật nhưng có khi nào ông bị gia đình cấm cản theo nghề?
- Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng tôi từng bị gia đình cấm nối nghiệp. Nghề diễn quá cực, quá bạc, mang tiếng cười, niềm vui cho mọi người nhưng bệnh tật, tai nạn cứ đe dọa. Khi tôi đi diễn vai hề ở hội chợ, bị gia đình bắt lại, tôi đã trốn mấy ngày mới dám về nhà. Nghề này may mắn gặp được những ông bầu tử tế, đối xử tốt thì đỡ, còn ngược lại thì tủi lắm. Cát-xê có khi không đủ sống, túng quẫn lắm nên nghĩ ra cách viết kịch bản, viết báo, viết sách đổi lấy bữa cơm.
Từ một chú hề hội chợ, tôi được khán giả nhớ tên qua nhiều vai diễn ở các bộ phim cổ tích của Hãng phim Phương Nam, như vai bác Ba Phi dí dỏm trong "Đất phương Nam", ông Tư Đèo lúc nào cũng đau khổ trông chờ con trong phim "Cải ơi"... Còn bây giờ tôi đang là Mạc Can của cuộc đời cô quạnh, sắp vô khu an dưỡng Văn nghệ sĩ Thị Nghè tá túc cho hết phận đời.
Khi sáng tác, ông kể những câu chuyện mà mình nhìn thấy và cảm nhận trong đời sống. Liệu ông sẽ có tác phẩm mới viết về ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ?
- Viết sách vì đam mê và cũng là để trải nghiệm cuộc sống. Nhiều lần phải bán tác phẩm để đóng tiền thuê nhà hay đổi lấy bữa cơm, tôi ứa nước mắt nhưng đâu dám đưa điều đó vô trang sách. Khi viết "Tấm ván phóng dao" năm 2005, giành được nhiều giải thưởng lớn, tôi đã nghĩ mình may mắn.
Mình làm đủ thứ nghề, cống hiến cho nghệ thuật hơn 60 năm nhưng vẫn không đủ sống. Nhờ sự quan tâm của Hội Sân khấu, các sở, ngành thành phố và đặc biệt là chị Hai NSND Kim Cương, tôi đã có thể sống vui bên cạnh các đồng nghiệp. Lần này vào nhà mới còn có Huỳnh Thanh Trà, Ngọc Đáng, Lam Sơn, Lệ Thẩm, Diệu Hiền, Ngọc Bê…
Điều gì để lại cho ông nhiều cảm xúc nhất hiện nay?
- Xúc động lắm. Hội Sân khấu TP HCM đưa tên tôi vào danh sách được nhận trợ cấp của thành phố mỗi tháng 2,6 triệu đồng, sắp tới được vào sống ở Khu an dưỡng Văn nghệ sĩ, được các y - bác sĩ chăm sóc đặc biệt, nghĩ cũng ấm lòng. Từ ngày vợ tôi qua đời, tôi sống trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, lúc còn khỏe hằng ngày viết bản thảo và chờ được gọi đóng phim.
Tôi cứ dặn lòng không được chết sớm vì còn nhiều việc phải làm. Cách đây mấy hôm, nhà văn Nguyễn Đông Thức tìm đến thăm, xúc động lắm. Bạn văn còn nhớ, bạn đọc còn thương, khán giả còn quý mà sức mình thì cứ rơi rụng dần. Phải viết khi đã lưu trữ nhiều trong tim biết bao tình cảm của công chúng, của đồng nghiệp.
Bình luận (0)