Ngày 26-10, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM tổ chức hội thảo "Tài chính sáng tạo và bền vững" nhằm nghiên cứu thực trạng, phân tích, đánh giá các xu hướng ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech)…
TS Trần Thị Diện, Trưởng Khoa Tài chính- Ngân hàng- Kế toán, cho biết trong những thập kỷ gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Fintech đã làm thay đổi lớn về sự vận hành của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nới riêng. Cụ thể, công nghệ tài chính đã cung cấp nhiều giải pháp tài chính sáng tạo giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng khả năng tiếp cận với thị trường tài chính thế giới, điều này lại mở ra một thị trường dầy hứa hẹn cho sự phát triển của ngành công nghệ tài chính.
ThS Trần Việt Hùng, giảng viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, đánh giá công nghệ tài chính đã mang lại nhiều lợi ích như cách thức, thời gian, địa điểm thanh toán, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội…
Ông cho rằng, ngành công nghệ tài chính ở Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển khi có 64,9% dân số dưới 35 tuổi, là nhóm tuổi thích nghi nhanh với những giải pháp công nghệ; hạ tầng cơ sở viễn thông Việt Nam phát triển mạnh, Việt Nam có khoảng 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (chiếm 55% dân số), và có khoảng 50 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 52% dân số); khoảng trống thị trường Fintech Việt Nam còn rất rộng…
Tuy nhiên, phát triển công nghệ tài chính ở Việt Nam cũng đang đối diện một số thách thức như khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào công nghệ tài chính còn ít, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể bao gồm cơ quan quản lý, các định chế tài chính, doanh nghiệp Fintech và các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động Fintech…
Đề cập về nhu cầu nguồn nhân lực số đáp ứng sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ThS Nguyễn Thanh Nguyên, Khoa Tài chính- Ngân hàng- Kế toán, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, đánh giá nền kinh tế số ở Việt Nam ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ, cung cấp nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế trong nước; thế nhưng, điều này cũng đòi hỏi nguồn nhân lực số phát triển tương ứng.
Mặc dù sự quan tâm đào tạo đối với nguồn nhân lực số trong nước đang ngày càng tăng, tuy nhiên tỷ lệ nguồn nhân lực số cung ứng cho thị trường chỉ đạt hơn 1% tính trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của nền kinh tế.
Bình luận (0)