Ngày 7-12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP HCM khóa X tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã đăng đàn trả lời đại biểu (ĐB).
Nghịch lý nhà ở
Quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động, ĐB Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết kết quả khảo sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 chỉ ra khoảng 51.000 người lao động có nhu cầu thuê nhà và 29.000 người có nhu cầu mua nhà. Như vậy, nhiều người lao động không có nhu cầu sở hữu nhà mà chỉ thuê nhà ở xã hội.
"Vậy UBND TP HCM có phương án gì để giải quyết nhu cầu thuê nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp?" - ĐB Lê Thị Kim Thúy nêu câu hỏi.
Trước khi ĐB chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM đã thông tin tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong năm 2023.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho hay việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè như một "căn bệnh mạn tính".
ĐB hỏi về kế hoạch cụ thể để quản lý, thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè.
Cùng quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Thanh Trúc nêu vấn đề khi nào sẽ có danh mục các tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện thu phí.
Trả lời về nhà ở xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết nhu cầu về nhà ở của TP HCM rất lớn nhưng số nhà đang xây dang dở hoặc hoàn thiện mà chưa có người ở cũng rất lớn.
Khi xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, thành phố cũng đã xác định vấn đề cho thuê nhà ở xã hội.
Dự kiến trong năm 2024, TP HCM phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó cố gắng giữ chỉ tiêu khoảng 6.500 căn nhà ở xã hội.
Chủ tịch UBND TP HCM thông tin thêm trong quá trình điều hành, thành phố tập trung tháo gỡ các dự án nhà ở xã hội bị vướng. Định kỳ, lãnh đạo thành phố đều họp để tháo gỡ từng dự án.
"Hiện còn mười mấy dự án, nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì có thể triển khai được trong năm 2024" - ông Phan Văn Mãi nói.
Đối với nội dung quản lý lòng đường, vỉa hè, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định thành phố không cấm buôn bán, sử dụng lòng đường, vỉa hè nhưng cần tổ chức phù hợp. Đây không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn là mỹ quan, an ninh trật tự.
TP HCM có hơn 700 km đường đô thị mà vỉa hè từ 3 m trở lên. Đoạn nào có nhu cầu cho những hoạt động cần thiết thì khai thác chứ không khai thác tất cả để kinh doanh, làm quán, chỗ giữ xe.
Các quận, huyện đang rà soát lại hiện trạng trên địa bàn của mình để xác định những tuyến đường có thể áp dụng. UBND TP HCM đã yêu cầu các quận, huyện đăng ký và tổng hợp, đến đầu năm 2024 sẽ triển khai.
Thúc dự án "treo" phải chạy
Liên quan dự án Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) nhiều năm không tiến triển, ĐB Phạm Đăng Khoa chất vấn khi nào dự án này được khởi công.
Trả lời, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng người dân đi qua nhà thi đấu này, khi nhìn cũng "nhức mắt".
"Tôi cũng rất khó chịu với dự án này" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ, đồng thời thông tin vừa qua, TP HCM rà soát lại dự án và có thể tiếp tục áp dụng hình thức BT.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM mong muốn triển khai sớm dự án để có một nhà thi đấu hiện đại phục vụ các sự kiện thể thao lớn của thành phố và cả nước, thậm chí là quốc tế.
Đồng thời, có công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hơn nữa, cơ bản nhất là thành phố có thể giải quyết được một điểm có thể nói là "nhức mắt" mỗi khi qua lại.
Trước chất vấn của ĐB Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế - HĐND TP HCM, về 4 chương trình phát triển chưa đạt kết quả như kỳ vọng, ông Phan Văn Mãi phản hồi thành phố có 49 đề án về kinh tế - xã hội.
Đến nay, TP HCM mới cụ thể hóa được 45 đề án; 1 đề án chủ trương dừng lại và 3 đề án chưa hoàn thành.
Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận quá trình cụ thể hóa các đề án trên chậm, gặp nhiều khó khăn, chưa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.
Chính sách thu hút nguồn lực xã hội để triển khai cũng chưa tốt. Thời gian tới, TP HCM tiếp tục thực hiện 3 đề án chưa hoàn thành.
Các đề án còn lại tích hợp vào kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24/2022, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị.
Về các danh mục dự án kêu gọi đầu tư hình thức PPP theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận thành phố đã nỗ lực xây dựng danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư nhưng công tác chuẩn bị thiếu đồng bộ, còn những kẽ hở.
"Làm sao khi triển khai dự án theo hình thức PPP phải nhanh gọn hơn. Phải tập trung vào những dự án có thể làm ngay, làm được thì dứt điểm sớm" - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh phương hướng tới.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 31 chức danh
Chiều 7-12, HĐND TP HCM đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 31 chức danh do HĐND thành phố bầu nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, 2 người có phiếu tín nhiệm cao cao nhất, cùng 73 phiếu, là Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ và Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Nguyễn Văn Nam. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi có số phiếu tín nhiệm cao là 69.
Ba người có phiếu tín nhiệm cao ít nhất trong 31 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này là Trưởng Ban Dân tộc TP HCM Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Thuận, với cùng 44 phiếu.
Về phiếu tín nhiệm thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 13 phiếu.
Bình luận (0)