Công bố các phát hiện trên tạp chí Frontiers in Nutrition, nhóm tác giả từ các bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo và Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) chỉ ra việc bổ sung men vi sinh (probiotic) từ thực phẩm có thể giúp chúng ta kéo giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Dữ liệu của gần 7.900 người, trong đó có hơn 4.300 bệnh nhân gan nhiễm mỡ, đã được đưa ra phân tích.
Họ được ghi nhận cụ thể về chế độ ăn uống, trong đó chú trọng lượng sữa chua probiotic được tiêu thụ.
Kết quả cho thấy chỉ với 0,4 cốc sữa chua (khoảng 100 g), nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ giảm được 16%.
Nghiên cứu chưa phân tích cụ thể cơ chế tiềm tàng của men vi sinh đối với gan nhiễm mỡ. Song, một số bằng chứng trước đó đã cho thấy men vi sinh có tác dụng kháng viêm, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, giảm cholesterol, giảm sự đề kháng insulin, tăng cường chức năng gan...
Các tác động này đều trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh gan nhiễm mỡ và các vấn đề về gan khác.
Đây là một phát hiện quan trọng bởi gan nhiễm mỡ là tình trạng có thể tiến triển thành xơ gan, thậm chí ung thư gan. Do tỉ lệ béo phì ngày càng tăng, những tác động có hại của gan nhiễm mỡ đang trở thành một thách thức ngày càng lớn với sức khỏe cộng đồng.
Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa (MAFLD), là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 30–40% nam và 15–20% nữ trong dân số nói chung, liên quan đến tình trạng kháng insulin, xơ vữa động mạch, béo phì, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.
Trong khi đó, bổ sung men vi sinh từ thực phẩm là một gợi ý dễ dàng để tăng cường sức khỏe. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy các thực phẩm loại này còn giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề chuyển hóa khác, bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ...
Thực phẩm giàu men vi sinh có thể kể đến bao gồm sữa chua, chao, Kefir, phô mai, tempeh, miso, các loại dưa muối chua, rau củ ngâm chua...
Như vậy, người châu Á - trong đó có Việt Nam - có thể hưởng lợi lớn vì một loạt món ăn lên men "truyền thống", từ chao đến dưa cải muối, rau củ ngâm.
Bình luận (0)